Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc được xây ở thị trấn huyện Ngọc Lặc, đô thị trung tâm của 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Trường có quy mô 18 lớp, tuyển sinh các học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn 11 huyện miền núi của Thanh Hóa. 

Hiện Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc đang hoàn tất công tác xây dựng cơ sở vật chất, triển khai phương án chiêu sinh... Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ký quyết định bổ nhiệm bà Hà Thu Dung, Hiệu trưởng trường THPT huyện Quan Sơn về giữ chức hiệu trưởng trường này. Đồng thời, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đang tuyển 22 giáo viên cho trường.

Theo đó, các đối tượng dự tuyển là giáo viên đã được tuyển dụng hiện đang công tác tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng; không nằm trong thời gian thi hành kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam gữ, quản chế; đang áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương hoặc đưa vào các cơ sở giáo dục; không trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Thanh Hóa: Có thêm một ngôi trường nội trú dành cho học sinh dân tộc ít người - Hình 1

Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc là trường nội trú thứ 2 dành riêng cho học sinh dân tộc thiểu số tại Thanh Hóa

Bên cạnh đó, ứng viên tham gia dự tuyển vào trường THPT dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc phải tốt nghiệp đại học (ĐH) hệ chính quy (không bao gồm ĐH liên thông) tại các trường ĐH sư phạm; tuổi đời dưới 40 tuổi với nữ và 45 tuổi đối với nam tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.

Đồng thời, các ứng viên dự tuyển phải đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn cụ thể như: Được công nhận danh hiệu (theo thứ tự ưu tiên): Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; có học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi theo thứ tự ưu tiên: quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh, Olympia, máy tính cầm tay Casino; được công nhận danh hiệu giáo viên giỏi cấp cơ sở, giáo viên có giờ dạy giỏi cấp cơ sở; có trình độ cao: tiến sỹ, thạc sỹ; có trình độ Tiếng Anh quốc tế đạt 6.5 IELTS hoặc 81 TOEFL iBT trở lên hoặc tương đương; có điểm thi tuyển sinh vào ĐH cao; tốt nghiệp ĐH: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình; được Huân chương lao động, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ GD&ĐT, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở…

Ngoài ra, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, việc tổ chức tuyển giáo viên cho Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc năm học 2017-2018 phải đảm bảo công khai, minh bạch, đạt chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu dạy, học và phát triển bền vững của nhà trường; đảm bảo đúng phương án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Dự kiến ngày 5/9, Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc sẽ khai giảng năm học mới 2017-2018 theo đúng lịch khải giảng của Bộ GD-ĐT. Như vậy đến nay tỉnh Thanh Hóa có hai trường THPT Dân tộc nội trú, gồm Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc vừa thành lập và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.

Việc thành lập ngôi trường THPT Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với giáo dục tỉnh Thanh Hóa. Trước hết, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo, phấn đấu trường phổ thông dân tộc nội trú trở thành trường hàng đầu về chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các dân tộc thiểu số. Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền núi Thanh Hóa.

Nguyễn Thuấn