Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, hiện trên toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.000 cơ sở giáo dục, hơn 870.000 học sinh, hơn 5 vạn cán bộ, giáo viên và hơn một triệu phụ huynh học sinh. Trong thời đại công nghệ số, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, do đó cần nhập cuộc với quyết tâm cao, đầu tư xứng tầm, nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng và sự thay đổi toàn diện.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá đã chủ động phối hợp với các đơn vị viễn thông trên địa bàn triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, mà hạt nhân là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, dạy – học trong các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 100% các đơn vị, trường học được trang bị máy vi tính; gần 2.000 đơn vị quản lý giáo dục, trường học đã và đang được Viettel, VNPT hỗ trợ miễn phí 1- 2 đường truyền Internet cáp quang, đảm bảo tốt công tác quản lý, giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; các đơn vị, trường học dần dần được trang bị hệ thống máy chủ, camera, máy chiếu, màn hình thông minh, máy in, máy quét …

Việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đang tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 hiện đại để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành Giáo dục & Đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác.

Mục tiêu thời gian tới của ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá là sẽ hoàn thiện và triển khai sử dụng rộng rãi Hệ thống phần mềm quản lý giáo dục với các phân hệ quản lý mầm non, quản lý tiểu học, quản lý trung học cơ sở và quản lý trung học phổ thông dùng chung của toàn Ngành. Số hoá, hồ sơ dữ liệu toàn Ngành theo Kế hoạch của tỉnh, của Chính phủ.

Ứng dụng, phát triển Hệ thống quản lý học tập, nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

100% các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục được thực hiện ở mức độ 4 và tích hợp lên Cổng thông tin Dịch vụ công của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 75% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục.

Kết nối hệ thống thông tin của ngành với các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào vận hành, khai thác và kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; kết nối cơ sở dữ liệu Ngành với Cổng dữ liệu (data.thanhhoa.gov.vn) của tỉnh Thanh Hóa, là Kho dữ liệu dùng chung của các cơ quan, đơn vị, nơi được kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục, đào tạo

Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho Sở Giáo dục & Đào tạo, các trường theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả hướng tới mô hình giáo dục thông minh. Đến năm 2025, có 100% các trường được kết nối đường truyền Internet băng thông rộng; 100% học sinh được tiếp cận dịch vụ Internet và các kho học liệu trực tuyến; 100% các trường học có trang thông tin điện tử; đáp ứng triển khai, thực hiện các nhóm nhiệm vụ toàn ngành.

 Hoài Thu