Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định: Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ, chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” và xem đây là một trong 3 khâu đột phá của địa phương.
Trên cơ sở đó, các cấp, ngành cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch; trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đưa chỉ tiêu về ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường thành tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cấp, các ngành hàng năm.
Nhờ đó, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, ngày càng được đầu tư chuyên sâu hơn. Đã có nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0, như: Trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn quả; cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; cảm biến môi trường nuôi thủy sản... giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Nhiều địa phương trong tỉnh, tổ chức, cá nhân đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với công nghệ sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa... làm hướng đi chính để đầu tư; từ đó, tận dụng, phát huy tốt lợi thế, tạo ra nông sản chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ và công tác ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đã đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; tích cực triển khai tạo lập quản lý và quảng bá nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh và hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập được sắp xếp; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, nhất là các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng thuộc ngành nông nghiệp. Nhân lực khoa học và công nghệ tăng cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh hiện có trên 3.100 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, tăng 8% so 2015; đã hình thành một số nhóm chuyên gia khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và công nghệ thông tin.
Giai đoạn 2012 - 2022, có trên 370 công trình nghiên cứu khoa học và bài báo được công bố trên các tạp chí quôc tế; có 4 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Toàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đứng thứ 3 cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Thanh Hóa cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ công tác tư vấn, đánh giá, phát triển thị trường công nghệ; tổ chức đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ tự nghiên cứu.
Địa phương cũng chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ tham gia chợ công nghệ và thiết bị (TechMart), ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest), trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo); tiếp cận Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia...
Lê Nam