Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới chuỗi cung - cầu, sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất của tỉnh Thanh Hoá. Nhiều sản phẩm làm ra, không được tiêu thụ hoặc có sức tiêu thụ yếu, gây ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận và hoạt động của chủ thể sản xuất.
Do đó, ngay sau khi các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch khởi động lại và dần hồi phục, tỉnh Thanh Hoá đã chú trọng đến việc khai thác thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa nhằm kết nối, tăng thêm cơ hội mở rộng thị trường cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Xúc tiến thương mại được xem là cầu nối góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp, HTX, người sản xuất tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa. Để đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ và mở rộng các chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại góp phần phát triển và nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh.
Theo đại diện tổ quản lý Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm"), Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá, cho biết:
“Nhằm phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP, thúc đẩy sức mua, chúng tôi đã phối hợp với các ban, ngành liên quan để đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh.
Do đó, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, năm 2022, ngành nông nghiệp đã phối hợp với ngành công thương và một số đơn vị như Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, Liên minh HTX tỉnh... tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia trao đổi, kết nối với các cửa hàng bán sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh, Quảng Nam, Bắc Ninh, Hà Nội...
Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh, mà còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nhiều tỉnh, thành và các trung tâm thương mại, siêu thị trong cả nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại sản phẩm của mình, nhận ra các hạn chế, thiếu sót, từng bước khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
4 tháng đầu năm 2023, cùng với việc khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất đẩy mạnh quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh đã hỗ trợ đưa các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh tham gia hàng chục hội chợ, triển lãm, trưng bày trong, ngoài tỉnh.
Thông qua các cuộc trưng bày, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc hữu của tỉnh được giới thiệu tới đông đảo du khách, người tiêu dùng. Từ đó, nhiều hợp đồng tiêu thụ được ký kết, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và quảng bá rộng rãi cho sản phẩm trên thị trường.
Để tiếp tục đưa hàng hóa của tỉnh “phủ sóng” rộng rãi trên thị trường và hướng đến xuất khẩu bền vững, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.
Trong đó, địa phương chú trọng triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, người sản xuất phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng.
Những hoạt động này, nhằm góp phần tạo động lực để các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Lê Nam