Công an huyện Triệu Sơn hướng dẫn cho các tiểu thương chợ Giắt sử dụng bình chữa cháyLực lượng Công an hướng dẫn cho các tiểu thương chợ Giắt (huyện Triệu Sơn) sử dụng bình chữa cháy

Năm 2020, Sở Công Thương Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao trực tiếp chỉ đạo xây dựng 4 chợ hạng 1 đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017; UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao xây dựng 221 chợ kinh doanh thực phẩm và 98 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.

Đối với 4 chợ hạng 1, bao gồm: Chợ Còng - thị xã Nghi Sơn; Chợ Giắt - huyện Triệu Sơn; Chợ Chuối - huyện Nông Cống; Chợ Lèn - huyện Hà Trung, Sở Công thương đã giao phòng Quản lý thương mại chủ trì phối hợp với phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Hà Trung và thị xã Nghi Sơn thường xuyên khảo sát, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn các phòng ban, đơn vị tại địa phương để triển khai xây dựng chợ.

Đối với các chợ hạng 2 và hạng 3 do UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xây dựng. Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 57 chợ đã đạt các tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, có 38 chợ công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017 và 19 chợ được Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa quyết định công nhận chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chí chợ tạm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 218/376 chợ đã đạt các tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó có 199 chợ được công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017 và 19 chợ đạt tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm theo Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19-02-2020 của UBND tỉnh.

Về kết quả xây dựng cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, qua khảo sát, trong 9 tháng đầu năm 2020, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng hoàn thành 104/98 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, đạt 106% chỉ tiêu.

Hiện, toàn tỉnh có 412 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Một số địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện hoàn thành hoặc vượt mức chỉ tiêu được giao như: TP Thanh Hoá, các huyện: Triệu Sơn, Thiệu Hóa ,Quan Hóa, Hoằng Hoá, Lang Chánh…

Qua kiểm tra thực tế tại các chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, công tác duy trì chợ kinh doanh thực phẩm đã được các cấp chính quyền địa phương, đơn vị quản lý chợ thực sự quan tâm.

Phần lớn các chợ bảo đảm về kết cấu hạ tầng, dụng cụ bày bán thực phẩm, chứa đựng, thu gom rác thải, thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017.

Việc xây dựng các chợ kinh doanh thực phẩm an toàn và cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị quản lý chợ và các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Những tháng cuối năm 2020, Sở Công Thương Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo, xây dựng 85 chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 và 83 chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm theo Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND. Đồng thời, duy trì các tiêu chí đối với các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn và các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm tại các chợ đã hoàn thành công bố chợ kinh doanh thực phẩm.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở Công Thương Thanh Hóa đề nghị các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong công tác quản lý Nhà nước về duy trì, xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bám sát công tác chỉ đạo, xây dựng chợ ATTP cấp huyện và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền trong công tác xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.

Hoài Thu