Việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số chính là nhằm xác định sự phát triển công nghệ số trong số là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh việc áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế; phát triển các doanh nghiệp công nghệ số phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chỉ thị số 1/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành trên các lĩnh vực và xác định rõ thời gian hoàn thành, làm cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các giải pháp, nhiệm vụ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Kế hoạch số 77 về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hoá có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng được đưa vào ứng dụng thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, đến năm 2030, toàn tỉnh Thanh Hoá có ít nhất 150 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 15 doanh nghiệp làm chủ công nghệ, cung cấp các sản phẩm, giải pháp phần mềm phục vụ chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng được đưa vào ứng dụng thực tế trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trên cả nước.
UBND tỉnh Thanh Hoá nêu rõ kế hoạch tập trung vào 04 nhóm đối tượng doanh nghiệp, gồm: Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu, có hướng nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số; Khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi, ứng dụng thành tựu công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh Thanh Hoá đã đề ra 05 nhóm giải pháp chính: Hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp; Phát triển hạ tầng số, sản phẩm công nghệ số; Phát triển nhân lực công nghệ số; Phát triển thị trường cho doanh nghiệp; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Khánh An