Theo báo cáo của các sở, ngành, đơn vị liên quan, tính đến 16h ngày 24-2, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 2.219 người nước ngoài đang lưu trú. Trong đó, có 680 người Trung Quốc, 315 người Hàn Quốc, 79 người Nhật Bản, 2 người Italia… Tất cả những người nhập cảnh vào tỉnh Thanh Hoá đều được theo dõi, kiểm tra y tế đầy đủ, qua đó chưa phát hiện có trường hợp người nước ngoài cư trú, hoạt động tại Thanh Hoá có dấu hiệu nhiễm Covid-19.
Về số người Thanh Hoá từ nước ngoài trở về địa phương, qua rà soát, từ khi bùng phát dịch đến 16h ngày 24-2, có khoảng 1.500 người Thanh Hoá từ nước ngoài trở về địa phương, chủ yếu là từ Trung Quốc. Các đơn vị liên quan đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện theo dõi, cách ly, kiểm tra sức khoẻ đối với từng trường hợp theo đúng yêu cầu, quy định về phòng dịch.
Ngoài ra, theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng hơn 6.000 lao động Thanh Hoá đang làm việc tại Hàn Quốc và khoảng 12.000 lao động đang làm việc tại Nhật Bản.
Như vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã qua 32 ngày không có bệnh nhân mắc Covid-19 mới, tỉnh đang hoàn thiện thủ tục để gửi Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch tại tỉnh Thanh Hoá.
Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch trên thế giới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh không được chủ quan, lơ là trong thực hiện công tác phòng chống dịch; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với những người đến từ vùng dịch và phải yêu cầu cách ly theo đúng quy định của ngành y tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Đồng thời, phải huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch; phát huy vai trò của cơ sở và quần chúng nhân dân trong việc kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ, dấu hiệu nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, yêu cầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện duy trì quân số thường trực tại khu vực cách ly ở Trung tâm giáo dục Quốc phòng, Trường Đại học Hồng Đức trong khi chưa có công dân từ vùng dịch trở về; Sở Tài chính cân đối kinh phí phát sinh cho công tác phòng chống dịch.
Mặt khác chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch cho đội ngũ giáo viên, đồng thời tập trung thực hiện công tác khử trùng, vệ sinh trường lớp để sẵn sàng đón học sinh ngay sau khi có quyết định chính thức về thời gian đi học trở lại. Khi đi học trở lại thì các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra nhiệt độ của học sinh, với các trường hợp học sinh có biểu hiện ho, sốt, cần tư vấn cho phụ huynh học sinh không nên đưa đến lớp học.
Hoài Thu