Theo báo cáo từ nhà thầu là Ban Quản lý Dự án Thăng Long thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Thanh Hóa khoảng 5,9 triệu m3 đất, 1,4 triệu m3 cát và 1,9 triệu m3 đá.
Qua rà soát trữ lượng các mỏ vật liệu tại các địa phương hiện cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho thi công dự án. Tuy nhiên, công suất khai thác của các mỏ đất và cát còn thấp, khả năng không đáp ứng được tiến độ cũng như yêu cầu khi triển khai dự án.
Theo dự kiến, tổng nhu cầu vật liệu đất và cát cho dự án trong năm 2021 phải đạt 4,8 triệu m3 đất và 1,1 triệu m3 cát, nhưng theo khảo sát về công suất khai thác đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho các chủ mỏ hiện nay chỉ đạt trung bình từ 15.000 đến 40.000 m3/năm.
Mặt khác, tổng công suất các mỏ đủ điều kiện khai thác đang hoạt động hiện chỉ đạt khoảng 775.000 m3 đất và 660.000 m3 cát.
Để bảo đảm vật liệu cho thi công dự án, Ban Quản lý Dự án Thăng Long kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát, cấp phép bổ sung với một số mỏ vật liệu đã nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng chưa được cấp phép khai thác.
Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, báo cáo HĐND tỉnh xem xét bổ sung vào quy hoạch để làm quy hoạch bổ sung các thủ tục cấp phép mỏ đất Đồi Ao ở huyện Hà Trung để phục vụ thi công dự án. Cùng với đó, tỉnh và các sở, ngành liên quan hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục liên quan xin tăng công suất khai thác tại các mỏ vật liệu khi các chủ mỏ có đề nghị.
Một nội dung khác cũng được đưa ra thảo luận là gần đây có một số chủ mỏ đã thông báo tăng giá bán vật liệu cao hơn so với thời điểm lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và giá công bố của các địa phương. Vấn đề này sẽ gây khó khăn cho các nhà thầu trong việc mua vật liệu triển khai thi công để bảo đảm tiến độ dự án.
Từ vấn đề này, phía nhà thầu kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa có biện pháp rà soát, bình ổn giá, tránh tình trạng tăng giá vật liệu bất thường, ảnh hưởng đến công trình trọng điểm Quốc gia.
Nhà thầu cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, chấp thuận 20 vị trí để đổ vật liệu thừa trong quá trình thi công là bùn, đất múc lên để thi công nền đường. Qua tính toán sơ bộ, sẽ có khoảng 2,5 triệu m3 vật liệu thừa trong quá trình thi công dự án qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần quy hoạch vị trí thích hợp để tập kết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, Dự án đường cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm Quốc gia, có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, cần phải ưu tiên, tạo điều kiện để dự án được triển khai đúng tiến độ cũng như bảo đảm chất lượng. Tỉnh Thanh Hóa, các sở ngành liên quan, các địa phương có dự án đi qua cần phối hợp với các nhà thầu để việc thi công được thuận lợi nhất.
Về nhu cầu vật liệu cho triển khai Dự án đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng yêu cầu Ban Quản lý Dự án Thăng Long phải làm rõ thêm nhu cầu cụ thể từng đoạn đến đâu, hiện giấy phép cấp cho các mỏ có thể đáp ứng được bao nhiêu phần trăm. Từ đó, sẽ có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, để UBND tỉnh có căn cứ cấp phép gia hạn hoặc tăng sản lượng khai thác cho các mỏ phù hợp với nhu cầu thực tế.
Về vấn đề các chủ mỏ vật liệu đang có xu hướng tự ý tăng giá bán đất và cát, ông Lê Đình Thọ yêu cầu các bên liên quan khi làm việc phải chốt luôn giá. Tài nguyên là của Nhà nước, chỉ giao cho các tổ chức, cá nhân đứng ra khai thác theo quy định. Sử dụng tài nguyên này để phục vụ công trình trọng điểm của Nhà nước thì không được phép lợi dụng tăng giá, gây khó khăn cho triển khai dự án.
Thứ trưởng đề nghị phía tỉnh Thanh Hóa tăng cường kiểm soát tình trạng này, nếu các chủ mỏ cố tình vi phạm, phải xử lý, có thể thu hồi lại mỏ giao cho chủ khác khai thác…
Phía tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm bày tỏ quan điểm ủng hộ và khẳng định sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa được triển khai như kế hoạch.
Về nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án, ông Mai Xuân Liêm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ngay trong tuần tới phải tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan và các địa phương, đi thực địa xác định lại hiện trạng các mỏ để báo cáo cụ thể UBND tỉnh.
Nếu các chủ mỏ trong diện cung ứng vật liệu cho dự án mà có nhu cầu tăng sản lượng khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ các quy định để tạo điều kiện. Nếu các thủ tục liên quan phải qua Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh, các sở, ngành liên quan phải rút ngắn ½ thời gian giải quyết theo quy định.
Về giá vật liệu có xu hướng bị đẩy cao gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng như vốn cho Dự án, Sở Tài chính cần chủ trì, đi rà soát các mỏ để tăng cường quản lý Nhà nước, không để xảy ra biến động giá. Nếu phát hiện chủ mỏ cố tình tăng giá vật liệu, phải báo cáo UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
Hoài Thu