Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý về ATTP tại phường Đông Cương.
Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại phường Đông Cương

Trong thời gian qua, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Thanh Hóa đã được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được đẩy mạnh và triển khai tốt, thông tin kịp thời về phương thức, thủ đoạn, cách nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức hành động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc chấp hành pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; từ đó đã hạn chế đáng kể các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

UBND TP. Thanh Hóa đã và đang tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thành phố và các phường, xã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản về an toàn thực phẩm của tỉnh và thành phố; tập trung chỉ đạo các phường, xã duy trì các tiêu chí phường, xã an toàn thực phẩm và xây dựng 6 phường đạt tiêu chí phường an toàn thực phẩm nâng cao. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, thành phố đã thành lập 74 đoàn kiểm tra tại 1.738 cơ sở; xử lý 102 cơ sở vi phạm với số tiền 322,75 triệu đồng…

Trước khi làm việc với Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Thanh Hóa, đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác quản lý về an toàn thực phẩm tại các phường Đông Sơn, Đông Cương; chợ Đình (phường Đông Cương).

Đoàn kiểm tra cũng đã nhắc nhở một số tiểu thương ở chợ Đình (phường Đông Cương) buôn bán thực phẩm tươi sống chấp hành quy định của pháp luật về thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, lưu ý các chủ cơ sở cần tiếp tục giữ vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng...

Sau khi kiểm tra thực tế tại các cơ sở, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của TP. Thanh Hóa trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về an toàn thực phẩm… đã được quan tâm ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn được tăng cường siết chặt dần đi vào nền nếp; các bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sơ chế chế biến thực phẩm được thống kê và lập danh sách quản lý giám sát, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng giảm, ý thức chấp hành của người dân đã tăng lên góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Đoàn cũng yêu cầu trong thời gian tới, TP. Thanh Hóa cần tiếp tục làm tốt chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt, các phường xã cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhóm trẻ tư thục, chợ đầu mối.

Đồng thời, Đoàn kiểm tra đề nghị Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Thanh Hóa cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh ở các phường, xã, các chợ trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đảm bảo công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm...

Lê Nam