Ảnh minh họa
Theo đó, trong 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng đáng kể, sức mua trên thị trường giảm. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh này vẫn diễn ra khá phức tạp.
Các hoạt động buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra công khai qua hình thức thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các loại hàng hóa thẩm lậu vào địa bàn ngày càng tinh vi với thủ đoạn vận chuyển qua xe bưu chính, xe khách, xe bus nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Với sự vào cuộc đấu tranh của các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa, trong 8 tháng đầu năm, có 4.037 vụ vi phạm đã bị phát hiện và xử lý, trong đó, có 535 vụ vi phạm bị chuyển khởi tố hình sự.
Tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, hàng bán thanh lý và truy thu thuế là hơn 90,7 tỷ đồng. Một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh khẩu trang, thiết bị y tế không bảo đảm chất lượng, tăng giá bất hợp lý để trục lợi đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, tuy đã có những chuyển biến đáng kể, nhưng hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các đối tượng chuyển sang buôn bán, kinh doanh trên môi trường internet, hiện đang là thách thức lớn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn nghèo nàn, không theo kịp các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vi phạm. Công tác cập nhật thay đổi thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc chưa kịp thời, làm giảm hiệu quả trong công tác phối hợp đấu tranh.
Trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, cần rà soát lại quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành từ năm 2014 và điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, linh hoạt một số quy định pháp luật mới; kiến nghị bổ sung trang, thiết bị công nghệ cao phục vụ công tác điều tra, kiểm soát; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quan nhiều hình thức; ứng dụng công nghệ trong chế độ thông tin báo cáo.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nền kinh tế và đời sống xã hội.
Tỉnh Thanh Hóa có địa hình phức tạp, với đủ các loại hình giao thông. Đây là thuận lợi, ưu thế của tỉnh, đồng thời cũng là thách thức đối với lực lượng chức năng trong công tác quản lý hàng hóa, kinh doanh buôn bán trên địa bàn. Với những diễn biến, thay đổi thường xuyên về phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng chí đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.
Thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại, hạn chế trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, tại nhiều thời điểm, việc triển khai nhiệm vụ vẫn còn chưa chủ động, triệt để, hiệu quả chưa cao, chưa phát hiện được những vụ việc lớn, tính răn đe cao. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chế độ thông tin, báo cáo chưa thường xuyên, kịp thời, dẫn đến hiệu quả công tác phối hợp còn hạn chế.
Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố trước ngày 30/9. Giao Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa xây dựng dự thảo sửa đổi quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trình các ngành có chức năng thẩm định ban hành cho phù hợp tình hình thực tế. Trong đó, phân công rõ hơn chức năng, nhiệm vụ cũng như công tác báo cáo, phối hợp nhằm nâng cao trách nhiệm của ngành thành viên trong nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhận định bối cảnh tình hình thị trường trong những tháng cuối năm, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động buôn bán, kinh doanh qua môi trường điện tử sẽ tiếp tục gia tăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi yêu cầu các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt và tổ chức hiệu quả các nội dung, chỉ đạo, kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong tình hình mới.
Trong đó, tập trung làm tốt công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường để có giải pháp kiểm tra, xử lý hiệu quả. Trong công tác điều tra, trinh sát cần tổ chức nhân mối, triệt phá các tụ điểm tập kết, kinh doanh, nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới, các vấn đề nổi cộm. Chú trọng thanh tra, kiểm soát các lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm, đặc biệt là các mặt hàng, thiết bị phòng chống dịch, hàng hóa kinh doanh trên môi trường điện tử, các mặt hàng có tác động lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cũng giao Cục Quản lý thị trường tỉnh bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu để tổ chức đào tạo nhân lực đáp ứng các yêu cầu cao về nghiệp vụ. Đồng thời, sẽ nghiên cứu, đề xuất tỉnh bổ sung trang, thiết bị phục vụ tác nghiệp cho các ngành, các lực lượng triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới.
Hoài Thu