Được biết, UBND huyện Hoằng Hóa ban hành Văn bản số 149/TB-UBND ngày 03/7/2018 về việc thực hiện mặt bằng chi tiết điểm dân cư nông thôn xã Hoằng Xuân. Tổng diện đất nông nghiệp của các hộ dân bị thu hồi là 5.503,5m2.
Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hộ dân, khi chưa chi trả tiền đền bù, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng xã đã cho các phương tiện máy móc tiến hành san lấp mặt bằng, khiến các hộ dân có nguy cơ mất toàn bộ diện tích đất “bờ xôi, ruộng mật” mà nhiều năm nay họ đang sử dụng ổn định để sản xuất.
“Hiện tại gia đình chúng tôi còn 1.858m2 đất tại thôn Nga Phú 2 (Hoằng Xuân) để trồng lúa hai vụ để nuôi sống cả gia đình, đoàn cán bộ của UBND xã Hoằng Xuân đã nhiều lần đến nhà bố mẹ tôi để thương lượng, vận động gia đình tôi nhận tiền và giao đất. Tuy nhiên, nguyện vọng của gia đình chúng tôi là được đổi diện tích đất tương ứng để tiếp tục canh tác chứ không muốn nhận tiền đền bù. Vì bán hết đất rồi, chúng tôi không còn công ăn việc làm, không còn đảm bảo cuộc sống lâu dài về sau. Chiều tối ngày 2/11, lợi dụng khi chúng tôi đi làm chỉ có mẹ tôi là bà Hà Thị Thược già yếu, thần kinh không được minh mẫn ở nhà một mình, ông Trịnh Xuân Hoàn (Chủ tịch UBND xã) và ông Hà Hùng Tuyển (cán bộ địa chính) đưa số tiền 2.300.000 đồng, bảo số tiền này xã hỗ trợ thêm ngoài những khoản tiền sẽ được chi trả theo pháp luật để ép mẹ tôi ký vào các văn bản mà ông Hoàn đưa ra.” anh Hà Quốc Trưởng người dân thôn 3 bức xúc nói.
Phần đất ruộng của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa bị chính quyền xã tự ý đổ đất, đá san lấp lên
Tiếp đến, các hộ gia đình là bà Trần Thị Toán, bà Nguyễn Thị Hoa và bà Hà Thị Thược chưa ký vào văn bản bàn giao đất vì chưa thỏa thuận xong phương án đền bù. Nhưng ngày 1/11 vừa qua, Chính quyền xã Hoằng Xuân đã huy động các phương tiện máy móc, tiến hành đổ đất và san phẳng cả diện tích ruộng của các hộ gia đình trên. Khi người dân lên tiếng phản đối thì phía lãnh đạo xã chỉ đạo các phương tiện chỉ dừng san lấp 1 ngày. Đêm ngày 2/11/2018, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thiên Sơn Nam tiếp tục huy động các phương tiện máy móc, đổ hàng trăm khối đất đá xuống diện tích đất trên, gây bức xúc cho dư luận trên địa bàn.
“Qua nhiều lần dồn điền đổi thửa, gia đình chúng tôi còn 2.224m2 đang sử dụng lâu dài tại đây. Nhiều lần chính quyền xã đến nhà vận động chúng tôi giao đất, tôi cũng đã nói. Chính sách của Đảng và Nhà nước, nếu thu hồi làm các dự án an sinh phúc lợi thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác và bàn giao đất. Nhưng đây là dự án thương mại, đền bù đất với giá rẻ rồi “phân lô, bán nền” với giá cao. Để thực hiện việc thu hồi đất chính quyền xã cần phải có sự thỏa thuận chính đáng với người dân, nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ gia đình sau khi bị thu hồi hết đất canh tác. Đặc biệt là những hộ gia đình có 5 - 7 nhân khẩu phần lớn phụ thuộc vào diện tích đất này” bà Nguyễn Thị Hoa nói.
Tại buổi làm việc với PV, ông Trịnh Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân cho biết, việc chính quyền xã và các hộ dân chưa thỏa thuận xong phương án đền bù nhưng đã cho san lấp mặt bằng là không đúng, xã cũng có cái sai trong sự việc này. Nhưng sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị thi công đã cố tình đổ đất và san lấp mặt bằng vào ban đêm, xã đã chỉ đạo cán bộ địa chính, công an xã xuống hiện trường kiểm tra, xác minh và yêu cầu đơn vị thi công đưa máy móc ra khỏi hiện trường.
Cũng trong buổi làm việc, ông Chủ tịch UBND xã khẳng định việc đi vận động người dân là không có giờ giấc, kể cả buổi trưa, buổi tối. Nên khi đi, chúng tôi phải mang theo biên bản thỏa thuận, nếu hộ nào đồng ý là cho ký ngay. Việc các thành viên trong gia đình có ý kiến, chúng tôi không cần biết, vì chúng tôi chỉ vận động và làm việc với những chủ hộ.
Lê Nam