Theo thống kê của Phòng Chế biến và thương mại nông sản - Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, tỉnh Thanh Hóa hiện có 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số thị trường tiêu biểu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, một số nước khu vực EU. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, cà chua, dứa đóng hộp, lợn sữa cấp đông, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, chả cá surimi, bột cá...
Tổng giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt khoảng 322 triệu USD/năm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bên cạnh những sản phẩm nông sản xuất khẩu truyền thống và thế mạnh của tỉnh, thị trường các nước xuất khẩu còn đòi hỏi và có nhu cầu về nhiều loại sản phẩm mới. Do đó, để bắt nhịp với thị trường, các doanh nghiệp làm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị của hàng hóa.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn cho nông sản Thanh Hóa. Đây cũng là thị trường có nhiều tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ dân số đông và nhu cầu đa dạng. Theo dự báo của các ngành chuyên môn, những tháng tiếp theo của năm 2023 hoạt động thương mại nông sản tại thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục sôi động. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng, sữa, trái cây và rau, quả tăng lên. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh.
Thị trường EU cũng được đánh giá là thị trường có lợi thế lớn về xuất khẩu và thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nhờ Hiệp định EVFTA với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng cao đối với rau, quả, các loại hạt tốt cho sức khỏe và các sản phẩm đặc sản có chất lượng cao; nhu cầu gỗ nội thất (đặc biệt là gỗ đạt chứng chỉ)...
Đây chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản đang được sản xuất chế biến hiện có và nghiên cứu, tìm hiểu để sản xuất thêm những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước có nhu cầu nhập khẩu.
5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản của tỉnh ước đạt hơn 100 triệu USD. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, ngành nông nghiệp đang tích cực xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm và thủy sản theo quy định.
Các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh định hướng cho các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Với sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị, địa phương và sự nỗ lực của đơn vị sản xuất, kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc trong quý III, IV, hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Được biết, để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch dành 2,5 tỷ đồng hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường mới. Đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và đang kinh doanh, sản xuất, chế biến các sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu tại tỉnh Thanh Hoá.
Doanh nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện: Có cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị dây chuyền sản xuất, chế biến các sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường mới theo hợp đồng tư vấn, với tối thiểu 300 nghìn USD. Các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu nhằm tiếp cận thị trường xuất khẩu mới. Mức hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/doanh nghiệp/thị trường xuất khẩu mới.
Lê Nam