Theo đó, sau khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa tại huyện Đông Sơn vào tháng 11/1995, đến 30/6/2020, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 8.513 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.233 (3.678 người Thanh Hóa và 555 ở các trại giam); có hơn 2.500 người nhiễm đã tử vong. 100% huyện, thị xã, thành phố; 94% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV.
9 tháng năm 2020, số ca nhiễm HIV mới phát hiện là 170 ca, tử vong 39 ca. 6 huyện, thị xã, thành phố có số người nhiễm HIV mới cao nhất bao gồm: TP Thanh Hóa (25 ca), Hoằng Hóa (13 ca), thị xã Nghi Sơn (13 ca), Cẩm Thủy (9 ca), Ngọc Lặc (10 ca), TP Sầm Sơn (10 ca). Toàn tỉnh hiện có 2.333 người đang điều trị Methadone tại 27 cơ sở và 16 điểm cấp phát thuốc. Trong đó có 318 bệnh nhân có HIV dương tính.
Theo đánh giá tình hình huy động kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS, nguồn ngân sách Nhà nước cấp từ Trung ương chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia, ngân sách địa phương cấp còn hạn chế; chủ yếu thông qua Kế hoạch đảm bảo tài chính giai đoạn 2015-2020 và vốn đối ứng các dự án. Từ năm 2014 đến 2018, các dự án quốc tế đóng vai trò nguồn lực tài chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Thanh Hóa; trung bình nguồn này chiếm khoảng 80-86%.
Từ năm 2019 đến nay các dự án chỉ hỗ trợ khoảng dưới 40% tổng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Thanh Hóa. Nguồn từ Bảo hiểm y tế mới chi trả một số dịch vụ khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS tại các bệnh viện trong tỉnh. Năm 2019-2020 tiền thuốc ARV và các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến HIV, thanh toán qua Bảo hiểm y tế hiện tại 03 bệnh viện: Ngọc Lặc; Thọ Xuân và thành phố Thanh Hóa. Nguồn đóng góp của người người nhiễm HIV rất hạn chế, toàn bộ chi phí đang được các nguồn tài trợ, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của các cấp ủy Đảng, các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng. Cần tiếp tục vận động và huy động nguồn viện trợ Quốc tế để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Các dự án viện trợ đang triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể và bảo đảm tính bền vững sau khi dự án kết thúc; Tận dung tối đa và phát huy các nguồn tài chính trong nước bao gồm: Quỹ BHYT; tận dụng và huy động sự tham gia cung cấp dịch vụ và đầu tư của các tổ chức xã hội, các quỹ, các doanh nghiệp, người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao có khả năng tự chi trả. Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực sẵn có, tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy tinh giảm và tiết kiệm. Thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ và lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh HIV/AIDS, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại trên các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: phát bơm kim tiêm, phát bao cao su, tiếp cận cộng đồng, giáo dục đồng đẳng, triển khai các dự án phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức điểm uống thuốc Methadone thay thế các chất dạng thuốc phiện đồng thời tuyên truyền các đối tượng nguy cơ cao, tư vấn, xét nghiệm sớm những trường hợp nhiễm HIV để lập hồ sơ đưa vào điều trị bằng thuốc nhằm phòng lây nhiễm.
Dịch HIV/AIDS tại Thanh Hóa vẫn trong giai đoạn tập trung ở những người có hành vi nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Triển khai Chương trình 90-90-90, những năm qua, Thanh Hoá đã tăng cường công tác truyền thông, vận động sự tham gia vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội; đồng thời đã chủ động lồng ghép các hoạt động, nguồn lực của chương trình, dự án để ưu tiên bố trí địa điểm, cơ sở vật chất và hỗ trợ cán bộ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Trong thời gian tới, ngành Y tế Thanh Hóa sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tuyên truyền để các bệnh nhân thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế nhằm đạt tỷ lệ 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết.
Từ đó, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhóm các giải pháp và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn nhằm chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.
Hoài Thu