Theo đó, kể từ ngày 8/3, bệnh nhân HIV chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT. Hiện tại đã có 188 cơ sở y tế đã sẵn sàng chi trả khám và điều trị HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc ARV qua nguồn Quỹ BHYT. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.

Điều trị ARV đã triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm nay, hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, có hơn 115.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ đang giảm dần và kết thúc vào năm 2018.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời, nếu không tham gia BHYT, người có HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hằng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.

Từ ngày 8/3/2019, người điều trị HIV/AIDS sẽ nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT - Hình 1

Người điều trị HIV/AIDS sẽ nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT

Bộ Y tế đang phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn.

Cũng theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, phác đồ ARV được lựa chọn để mua bằng Quỹ BHYT là phác đồ bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam. Bộ Y tế đã hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh tính toán nhu cầu thuốc ARV BHYT cho năm 2019 để Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia triển khai mua sắm và sử dụng tại 188 cơ sở điều trị.

ARV là thuốc ức chế sự phát triển của HIV trong cơ thể người bệnh, giúp giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV.

Hằng Vương (t/h)