Bước vào mùa nắng nóng năm 2023, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng tổng thể hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh nhằm đề ra các biện pháp và lên phương án cấp điện ; đôn đốc, chỉ đạo các điện lực trực thuộc tập trung vệ sinh, bảo dưỡng lưới điện, tăng cường kiểm tra, xử lý các khiếm khuyết, cũng như ngăn chặn các sự cố chủ quan có thể xảy ra.
Nhiều hoạt động được đơn vị xây dựng và tổ chức thường xuyên như: chương trình giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng; giảm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; phương án diễn tập xử lý sự cố; phương án cấp điện mùa nắng nóng; phương án ứng phó với thiên tai, tích cực chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc để tiếp nhận thông tin báo mất điện của khách hàng, từ đó nhanh chóng xử lý, khôi phục, cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất...
Huy động tối đa các nguồn lực, công tác đầu tư xây dựng luôn được Công ty Điện lực Thanh Hóa cũng quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm đến nay, công ty đã đưa vào khai thác 3 dự án: trạm 110kV Đông Sơn, 110kV Hoằng Long, đường dây 110kV, trạm 220kV Nông Cống đi trạm 110kV Quảng Xương, trạm 110kV TP Sầm Sơn, trạm 110kV Nông Cống đi trạm 110kV TP Thanh Hóa; công ty đang nâng cấp đường dây 220kV Ba Chè đi 110kV núi Một và đi 220kV Bỉm Sơn; đường dây 220kV Nông Cống đi trạm 220kV Nghi Sơn...
Đơn vị triển khai 30 dự án nâng công suất, chống quá tải, giảm bán kính cấp điện với tổng kinh phí khoảng hơn 250 tỷ đồng; 80 hạng mục sửa chữa lớn với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Tất cả các dự án nâng công suất, chống quá tải, sửa chữa lớn... đều đóng điện trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện hàng trăm hạng mục sửa chữa thường xuyên, khắc phục khiếm khuyết trên lưới điện với kinh phí hàng tỷ đồng. Đây là nỗ lực lớn, cho thấy tính chủ động, tinh thần, trách nhiệm của ngành điện Thanh Hóa trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách.
Cùng với đó, đơn vị cũng chú trọng làm tốt công tác giải phóng hành lang lưới điện, đến nay, đã cơ bản giải phóng xong hành lang lưới điện. Công ty Điện lực Thanh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm việc với một số trường học trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến về an toàn điện, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện đến đông đảo các em học sinh. Việc bảo đảm hàng lang an toàn lưới điện cao áp là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ đối với ngành điện mà là nhiệm vụ chung của các địa phương và toàn dân.
Tại Điện lực TP. Thanh Hóa, đơn vị này hiện đang quản lý, vận hành 23 lộ 22kV và 3 lộ 35kV được cấp nguồn từ các trạm 110kV núi Một, thành phố và Tây thành phố, chiều dài đường dây trung áp tài sản ngành điện là 303,64km (đường dây trên không là 156,78km, cáp ngầm là 146,86km); tài sản khách hàng là 42,65km (đường dây trên không là 17,72km, cáp ngầm là 24,93km) và 488,11km đường dây hạ áp. Tổng số trạm biến áp phân phối là 1.058 trạm/471.922kVA.
Từ năm 2022, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Công ty Điện lực Thanh Hóa, đơn vị đã đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện với các hạng mục: Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện sau các trạm biến áp 110kV, xây dựng 13 mạch vòng đa chia, đa nối hỗ trợ cấp điện giữa các lộ trung áp; xây dựng mới 4 trạm biến áp phân phối chống quá tải khu vực Phạm Ngũ Lão, Ái Sơn, Đông Cương; nâng công suất 4 trạm biến áp chống quá tải khu vực Trường Thi, Đông Sơn, Phú Sơn, Tịch Điền; thay thế 80 đầu cáp ngầm trung thế lâu năm kém chất lượng, thay thế 51 bộ chống sét, FCO các trạm biến áp; nâng cấp, thay thế 30km đường dây hạ thế vận hành lâu năm kém chất lượng bằng dây cáp AVX 70-120mm2; thay thế 19.000m cáp vào hộp công tơ từ cáp nhôm quá tải sang cấp đồng; nâng cấp nhánh rẽ bắc cầu Hạc và san tải lộ 476 sang lộ 486, cải tạo chuyển sang vận hành 22kV đối với 27 trạm biến áp của nhánh rẽ Đông Nam lộ 371. Theo dõi tình hình, biến động thời tiết, căn cứ vào điều kiện thực tế tại đơn vị để xây dựng phương án cấp điện mùa nắng nóng, bố trí đủ nhân lực, vật lực theo phương châm 4 tại chỗ.
Với tinh thần luôn sẵn sàng trước mọi tình huống, diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành điện Thanh Hóa đã chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, phương tiện dự phòng để chủ động trong mọi tình huống phát sinh, xử lý các sự cố nếu xảy ra để cấp điện phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Cùng với những nỗ lực, cố gắng của ngành điện, mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm... Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, giảm chi phí tiền điện, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp tăng tuổi thọ của các thiết bị, giảm chi phí sửa chữa, bảo trì và đồng thời bảo vệ môi trường...
Hoài Thu