Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 của tỉnh Thanh Hóa vẫn tăng trưởng 1,36% so với tháng trước và tăng 8,43% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 6,22% so với tháng trước, tăng 46,59% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 1,48% so với tháng trước, tăng 8,48% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, giảm 0,48% so với tháng trước, tăng 4,81% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 40,28% so với tháng cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành, tăng 15,54% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng, tăng 5,72%; công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 16,43%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, tăng 2,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,06%.

Đồng thời, nhiều sản phẩm công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, như: xăng các loại sản xuất được 217,1 nghìn tấn, tăng 3% so tháng cùng kỳ; dầu diesel 339,4 nghìn tấn, tăng 5,4% so tháng cùng kỳ; bia các loại 5,8 triệu lít, tăng 17,2% so tháng cùng kỳ; quần áo các loại 36,9 triệu cái, tăng 17,4% so tháng trước, tăng 24,8% so tháng cùng kỳ; giày thể thao 15,7 triệu đôi, tăng 17,5% so tháng trước, tăng 6% so tháng cùng kỳ; xi măng 1,61 triệu tấn, tăng 6,5% so tháng trước, tăng 9,5% so tháng cùng kỳ; sắt thép 140 nghìn tấn, tăng 5,5% so tháng trước, tăng 12,5% so tháng cùng kỳ... 8 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 16,37% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp có dự báo tín hiệu tăng trưởng tốt. Trong đó, các lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có định hướng xuất khẩu như hàng may mặc, da giày, thép, xi măng... tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh.

Bởi, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sẽ gia tăng trong giai đoạn kinh tế của các nước trên thế giới từng bước được phục hồi trong bối cảnh kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 sau chiến lược tiêm chủng vắc-xin được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm, như: trạm nghiền xi măng Long Sơn, dự án may mặc, da giày trên địa bàn các huyện Triệu Sơn, Yên Định... sẽ gia tăng sản lượng hàng hóa công nghiệp của tỉnh.

Hoài Thu