![Cô, trò Trường Mầm non thị trấn Bến Sung (Như Thanh) trong giờ học. Cô, trò Trường Mầm non thị trấn Bến Sung (Như Thanh) trong giờ học.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/20/177d0145547t52467l0-1692535024.jpg)
Trường Tiểu học Thiết Kế (Bá Thước) hiện có 1 điểm trường chính và 1 điểm trường lẻ. Thầy Hà Ứng Khâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết:
Bên cạnh sự xuống cấp cơ sở vật chất ở khu lẻ, điều mà ban giám hiệu nhà trường lo lắng nhất là tình trạng thiếu giáo viên. Năm học 2023-2024, nhà trường sẽ thiếu 3 giáo viên văn hóa. Ngoài ra cũng chưa có giáo viên Tin học, Mỹ thuật”.
Bá Thước hiện có 72 trường trực thuộc địa phương quản lý, trong đó bậc mầm non 24 trường đều là trường hạng 1; bậc tiểu học 22 trường (8 trường hạng 1; 14 trường hạng 2 và 3); bậc THCS 22 trường đều là trường hạng 2 và 3, trong đó có 1 trường chuyên biệt (THCS Dân tộc nội trú); 2 trường TH&THCS và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với tổng số 1.694 cán bộ, giáo viên.
Chia sẻ về nhu cầu cán bộ, giáo viên - nhân viên năm học 2023-2024 (tính theo định mức quy định tại Quyết định số 3185 của UBND tỉnh), Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước Hà Tự Nhiên chia sẻ:
Để cơ bản đáp ứng yêu cầu, ngành giáo dục Bá Thước cần 1.849 cán bộ, giáo viên - nhân viên. Sau khi cân đối, toàn ngành còn thiếu 232 cán bộ, giáo viên - nhân viên. Trăn trở lớn nhất hiện nay là thiếu giáo viên môn Tin học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Toàn huyện mới chỉ có 2 giáo viên chuyên môn Tin học ở cấp tiểu học và THCS.
Thực trạng thiếu giáo viên cũng đang diễn ra tại huyện miền núi Như Thanh. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Thanh Lê Thúy Lan bộc bạch:
Căn cứ theo chỉ tiêu tỉnh giao và số GV huyện có thì còn thiếu 97 giáo viên. Trong đó tiểu học thiếu giáo viên các môn văn hóa và giáo viên Tiếng Anh, Tin học; bậc THCS thiếu giáo viên các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch xin tuyển dụng, huyện Như Thanh đã có chủ trương hợp đồng tiết dạy đối với giáo viên mới ra trường, giáo viên về hưu có đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và giáo viên trong biên chế được nhà trường động viên dạy tăng tiết. Hiện nay, các nhà trường đã sắp xếp, hợp đồng tiết dạy đầy đủ chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024.
Năm học 2023-2024 huyện Thiệu Hóa còn thiếu 214 giáo viên chủ yếu ở bậc học mầm non và tiểu học. Cùng với việc tuyển mới giáo viên, ưu tiên chuyển số giáo viên đang dạy hợp đồng vào ngạch viên chức theo chỉ tiêu được phân bổ, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu đề xuất UBND huyện cấp kinh phí và cho phép các trường được hợp đồng giáo viên để đủ số lượng người làm việc trong khi chờ được giao bổ sung biên chế theo quy định.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thiệu Hóa Nguyễn Lạnh Đông chia sẻ:
"Chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, huyện Thiệu Hóa đang rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Cùng với đó, huyện điều động, biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, điều động giáo viên dạy liên trường, các trường động viên giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi. Phòng cũng đang phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng đủ biên chế được giao".
Là một trong những trường học còn thiếu giáo viên trước thềm năm học 2023-2024, thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Duy (Thiệu Hóa), giãi bày:
Trường thiếu 4 giáo viên nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để khắc phục, nhà trường đã hợp đồng giáo viên, động viên giáo viên dạy tăng tiết để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp. Thực trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của nhà trường, do đó trường đề xuất được bổ sung định biên giáo viên trong năm học 2023-2024.
Thực trạng thiếu giáo viên đã tồn tại từ nhiều năm nay tại Thanh Hóa và diễn ra tại tất cả các huyện, thị, thành phố, ở tất cả các cấp học. Tính đến tháng 5-2023, toàn tỉnh thiếu hơn 16.000 giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu tính theo định mức quy định của UBND tỉnh thì thiếu hơn 8.900 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên gây ra rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức quản lý triển khai nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn, đặc biệt là tại 11 huyện miền núi.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, căn cứ quy mô trường, lớp, số học sinh của năm học 2023-2024, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ giao bổ sung 16.634 biên chế giáo viên, trong đó mầm non là 4.936 biên chế; tiểu học 4.703 biên chế; THCS 6.131 biên chế; THPT 864 biên chế.
PV (T/h)