(Ảnh minh họa).
Xác định ngành nông nghiệp là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương cũng như tăng khả năng kết nối, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh này cũng có nhiều hoạt động tích cực để thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung,tạo thành những vùng nguyên liệu ổn định phục vụ nhu cầu chế biến nông sản.
Hiện, nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh đã có 60.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng triệu con gia súc, gia cầm được sản xuất theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp.
Các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tiêu biểu, như: Vùng sản xuất mía nguyên liệu tại 15 huyện liên kết sản xuất với các nhà máy đường với diện tích 17.084 ha; vùng sản xuất sắn nguyên liệu tại 10 huyện miền núi với diện tích 9.624 ha; các vùng sản xuất lúa giống ở các địa phương với 3.264 ha; sản xuất lúa thương phẩm gắn với bao tiêu sản phẩm 6.500 ha...
Đây là những hình thức liên kết chặt chẽ, có sự chia sẻ lợi ích và giảm thiểu rủi ro giữa doanh nghiệp và người nông dân. Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng tỉ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung. Hiện nay, trong quy hoạch vùng huyện ở các địa phương trong tỉnh, việc phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được các địa phương ưu tiên quy hoạch.
Đồng thời, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp lợi thế của địa phương nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hoặc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn, từ đó xây dựng và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa.
Để từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa ra thị trường ngoài tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đã hướng dẫn các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam; hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc và khu vực Tây Nguyên; lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình; hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc; Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế... Thông qua các hội chợ, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh đã được quảng bá rộng rãi đến các thị trường ngoài tỉnh về chất lượng, thương hiệu, ký kết cung cấp sản phẩm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ ra những điều kiện để tăng cường liên kết sản xuất vùng, đó là tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện liên kết vùng huyện, vùng tỉnh và cả nước.
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cần ban hành cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng và với các vùng khác. Cần điều tra đánh giá tài nguyên đất, nước để có đủ căn cứ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững.
Tăng cường kêu gọi đầu tư đối với các dự án trọng điểm của vùng. Tổ chức các hội nghị trực tuyến, giao ban để có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong vùng từ đó chủ động trong công tác sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Đa dạng hóa, huy động và sử dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước về kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại và du lịch. Xây dựng một số nội dung phối hợp, hỗ trợ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong nông nghiệp.
Hoài Thu