Để thực hiện có hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch và từng bước triển khai nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, như hỗ trợ máy sấy lúa cho các HTX liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư hệ thống điện cho các khu trang trại tổng hợp có diện tích từ 20 ha trở lên; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX thực hiện tích tụ, tập trung hơn 1.598 ha đất; tích cực ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trong sản xuất cây ăn quả, mía.
Hiện nay, toàn huyện đã thu hút được hơn 100 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện các dự án lớn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của châu Âu, Israel và các nước phát triển... Một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đã và đang hình thành, phát triển bền vững, như cây mía nguyên liệu; giống lúa thuần chất lượng cao, ngô dày, cỏ làm thức ăn chăn nuôi, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như ớt, ngô ngọt, khoai tây, bí...
Nhận thấy dưa vàng là giống cây dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, một số hộ dân xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) đã thông qua HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thọ Lâm để ký hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Đại diện HTX Nguyễn Văn Long cho rằng: Mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân đã và đang khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Mỗi năm, trên địa bàn xã, việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đạt khoảng 1.200 tấn/năm và đang có xu hướng tăng dần. Bên cạnh cây dưa vàng, HTX còn làm “cầu nối” thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, như ớt, khoai tây... thu mua giống lúa nếp và các loại lúa thương phẩm như Thái Xuyên, BC15...; cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi cho người dân trên địa bàn.
Tại huyện Vĩnh Lộc, việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa được triển khai gắn với thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Huyện đã hình thành được 15 vùng sản xuất tập trung, với các sản phẩm chủ lực, như vùng lúa năng suất, chất lượng cao, vùng sản xuất chuối tiêu hồng, vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng sản xuất mía, vùng sản xuất rau an toàn tập trung... Địa phương cũng thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, với tổng diện tích cây trồng tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đến nay đạt hơn 3.000 ha.
Toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 1.012 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 23 chuỗi trong lĩnh vực thủy sản, 4 chuỗi liên kết khép kín sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp và 79 dự án liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Trong đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp liên kết đã đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh, như BigC, Co.op mart, Winmart... góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
PV (Nguồn: baothanhhoa.vn)