Nhiều ý kiến trái chiều trong việc bổ nhiệm, luân chuyển Ban giám hiệu tại Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Nhiều ý kiến trái chiều trong việc bổ nhiệm, luân chuyển Ban giám hiệu tại Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn (Thanh Hóa).

Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn được thành lập theo Quyết định số 1086/QĐ-UBND ngày 24/04/2008 của UBND tỉnh Thanh Hóa, là đơn vị sự nghiệp công lập và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường chú trọng đào tào các ngành nghề theo nhu cầu của thị trường lao động.

Từ khi thành lập tới nay, nhà trường đã đào tạo được gần 6.000 học sinh, trong đó trình độ trung cấp 2.600 học sinh, sơ cấp 3.100 học sinh, đào tạo dưới 03 tháng 360 học sinh. Ngoài 03 nghề trọng điểm quốc gia là Hàn, Công nghệ ô tô và May thời trang, nhà trường còn đào tạo các nghề khác mà thị trường lao động đang nhu cầu cao như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Điện công nghiệp và dân dụng. Riêng trong năm học 2020 - 2021, nhà trường đã mở thêm ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, trình độ Trung cấp.

Là ngôi trường đầu tiên được thành lập theo mô hình cấp thị quản lý. Mặc dù có nhiều khó khăn về thiết bị, cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy nghề, nhưng với quyết tâm của tập thể cán bộ giáo viên, trường đã đạt được những kết quả toàn diện đáng ghi nhận, những bước ngoặt quan trọng minh chứng cho sự phát triển vượt bậc tại ngôi trường này.

Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn đã ghi dấu ấn đậm nét trong công tác dạy và học nghề, có nhiều đóng góp to lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị xã công nghiệp Bỉm Sơn và vùng lân cận.

Hầu hết, học sinh tốt nghiệp ra trường đều đảm bảo đạt chuẩn đầu ra, đáp ứng tay nghề lao động theo yêu cầu của xã hội, kịp thời thích ứng với xu thế công nghệ 4.0 hiện nay.

Trong những năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm ổn định đạt 95% với mức lương cơ bản từ 6 triệu đến 12 triệu đồng/tháng. Phần lớn, số học sinh này được tuyển dụng vào các công ty trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và một số công ty tại các khu công nghiệp trên toàn quốc như: Lilama 5, Lilama 18, Lilama 691, Xi măng Long Sơn, Ô tô VEAM, công ty May Tiên Sơn, May VUDE, May 10...

Tân hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn

Theo khoản 1, khoản 2, Điều 14 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014: “Hiệu trưởng trường trung cấp nghề là người đứng đầu, đại diện cho nhà trường trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 05 năm, hiệu trưởng được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Có phẩm chất, đạo đức tốt và đã có ít nhất là 05 năm làm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp, hiệu trưởng là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của nhà trường.”

Thế nhưng mới đây, UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có Quyết định bổ nhiệm ông Lý Minh Quang, Trưởng phòng Văn Hóa giữ chức vụ hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn. Tuy nhiên, ông Quang có đảm bảo đúng quy định thời gian ít nhất là 05 năm làm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp tại khoản 1, khoản 2, Điều 14 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014?.

Theo tìm hiểu, trước khi được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, ông Lý Minh Quang (sinh năm 1975) tốt nghiệp Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp, tháng 04/1997, ông Quang có quyết định điều động về làm giáo viên thể dục thể thao tại Trường THCS Quang Trung (Bỉm Sơn), sau đó ông tiếp tục được điều động về Trường THCS Ngọc Trạo. Đến tháng 05/2004, ông Quang có quyết định và nhận công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin TDTT Bỉm Sơn, và ông Quang chuyển về phòng Văn hóa trước khi bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn vào tháng 01/2024.

Tuy nhiên, thời gian ông Lý Minh Quang công tác trong môi trường giáo dục (giáo viên dạy thể dục thể thao tại các trường THCS trên địa bàn) liệu có đảm bảo đúng chuyên môn quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Ở chiều ngược lại, để có quyết định bổ nhiệm ông Lý Minh Quang về làm Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn. Bà Lê Thị Huế (vợ ông Quang) đang là Phó Hiệu trưởng ngôi trường này đã được điều động, biệt phái về làm chuyên viên tại Phòng Giáo dục - Đào tạo UBND thị xã Bỉm Sơn, nhưng hàng tháng lương cũng như các chế độ đãi ngộ khác bà Huế vẫn nhận tại Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn.

Một giáo viên tại trường (xin được giấu tên) chia sẻ: ‘’Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn của chúng tôi là đơn vị sự nghiệp công lập, với nguồn tự chủ một phần. Nguồn ngân sách tỉnh cấp về theo số lượng học sinh là 8 triệu đồng/học sinh/năm. Tất cả số lượng tiền đó nhà trường dùng để chi trả lương giáo viên biên chế, giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng và chi tất cả cho việc giảng dạy, chi cho các hoạt động ngày lễ, chi thường xuyên mua vật tư học tập...”

Với số tiền được cấp về thì nhà trường đã tính đủ chi cho số lượng giáo viên biên chế của nhà trường theo quy định. Nhưng từ thời điểm này, nhà trường vẫn đều đặn phải trả cho một người đã có quyết định đi biệt phái thì trường chúng tôi sẽ rất khó khăn, là gánh nặng cho nhà trường, vì lương của bà Huế không hề ít, bà ấy đang hưởng gần 13 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm nhà trường chúng tôi vẫn phải trả lương cho người không làm việc tại đây là bà Huế hơn 150 triệu đồng/năm, trong khi đó nhà trường đang thiếu giáo viên và đang tính toán sẽ phải chi thêm một khoản nữa để thuê giáo viên hợp đồng. Việc điều động bà Huế (vợ) của Hiệu trưởng Quang đi dạng biệt phái là để hợp thức hóa cho chồng về làm Hiệu trưởng thôi’’, một giáo viên khác cho hay.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Lý Minh Quang - Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn cho biết: “Trước nhiều ý kiến trái chiều của mọi người cho rằng tôi chưa đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, bản thân tôi ghi nhận những phản ánh đó. Nhưng việc bổ nhiệm rồi xét đến các tiêu chuẩn của tôi như thế nào, chắc chắn bên tổ chức họ cũng đã xem xét và cân nhắc đầy đủ mới đưa ra quyết định”.

Khi đề cập về việc bà Huế đã đi biệt phái nhưng vẫn nhận lương lên đến hơn 150 triệu đồng/năm tại trường, việc này đang gây khó khăn tài chính cho nhà trường, ông Quang cho biết thêm: “Việc đó là của Ủy ban họ sắp xếp, vì khi tôi có quyết định về đây thì ít hôm trước cô ấy đã có quyết định thuyên chuyển dạng biệt phái về Phòng giáo dục rồi”.

Việc bổ nhiệm được Hiệu trưởng trường trung cấp nghề Bỉm Sơn là do công tác tổ chức cán bộ. Nhưng trước những ý kiến trái chiều trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển trong Ban giám hiệu tại ngôi trường này có đang làm ảnh hưởng đến tài chính, uy tín cũng như thương hiệu trong công tác đào tạo nghề tại Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn trong thời gian tới. Câu hỏi trên xin được gửi đến lãnh đạo UBND thị xã Bỉm Sơn cũng như đơn vị liên quan.

Cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường mong muốn Trường Trung cấp nghề Bỉm sơn sẽ có sự phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu đào tạo uy tín, chất lượng.

Khoản 1, Điều 14, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014

Tiêu chuẩn của hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng nghề nghiệp

Theo khoản 2, Điều 14, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất, đạo đức tốt, đã có ít nhất là 05 năm làm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp; - Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với hiệu trưởng trường trung cấp; có bằng thạc sỹ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng; - Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp; - Có đủ sức khỏe; bảo đảm độ tuổi để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ hiệu trưởng đối với việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng công lập.

Lê Nam