Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá, tính đến tháng 6/2022 toàn tỉnh đã phát triển được 23.240 ha cây ăn quả các loại, trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt 18.358 ha. Diện tích cây ăn quả tập trung đạt gần 8.000 ha.
Trong đó, một số địa phương đã xây dựng và phát triển được những vùng trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, như: Sản xuất công nghệ cao tại Công ty CP mía đường Lam Sơn đạt thu nhập 650 triệu đồng/ha/năm; khu trồng cam tại xã Xuân Hòa (Như Xuân), Xuân Thành (Thọ Xuân), Thành Vân (Thạch Thành) thu nhập đạt từ 300 đến 350 triệu đồng/ha/năm; một số vườn ổi tại huyện Thạch Thành, Như Xuân đạt thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Sản phẩm cây ăn quả của tỉnh chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh. Những năm gần đây đã có một số doanh nghiệp, chủ trang trại đưa sản phẩm cam, bưởi, ổi tiêu thụ tại thị trường một số tỉnh, thành phố như: Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Cùng với đó, đã có 3 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dứa đi thị trường các nước Nga, Hàn Quốc với sản lượng đạt 10.000 tấn/năm.
Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, Thanh Hóa đã có 12 sản phẩm cây ăn quả được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó thảo luận đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo đó, để thực hiện mục tiên phát triển diện tích cây ăn quả tập trung 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp như: rà soát, quy hoạch, bố trí đất đai phát triển cây ăn quả tập trung.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, du nhập, tuyển chọn giống cây ăn quả. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích các nhà máy chế biến hiện có trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao.
Tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Lê Nam