Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trong đầu tư công, thời gian qua Khu kinh tế Nghi Sơn được đầu tư nhiều công trình như các tuyến giao thông trục chính, hệ thống cấp nước, các khu tái định cư... góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng và nâng cao sức hấp dẫn của khu kinh tế.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tập trung giải quyết 29 dự án đầu tư từ năm 2020 trở về trước. Trong quá trình triển khai thực hiện bên cạnh những thuận lợi vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong đó có 2 dự án lớn là Dự án đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn năm 2021 mới thu ứng được 20 tỷ đồng, còn dư ứng xây lắp là 229,7 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trục chính phía Tây Khu kinh tế Nghi Sơn dư ứng xây lắp 216,9 tỷ đồng (trong đó Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung dư ứng 210,2 tỷ đồng).

Mặc dù Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đôn đốc nhiều lần nhưng việc thu hồi dư ứng tại 2 dự án này rất chậm, đến nay nhà thầu vẫn không tập trung thi công.

Ngoài ra, còn 5 dự án có chủ trương đầu tư từ các năm 2008, 2009, 2012 nhưng đã dừng triển khai từ nhiều năm. Hiện các dự án không còn phù hợp với quy hoạch chung của KKT Nghi Sơn nên không có tính khả thi…

Đối với việc đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp tại Khu kinh tế, đến nay Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 270 dự án, bao gồm 251 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 136.616 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 13.038 triệu USD.

Đã có 131 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình như các dự án công nghiệp nặng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 1, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2…

Trong giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất của các dự án này đạt 412.838 tỷ đồng; xuất khẩu đạt khoảng 4.024 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước đạt khoảng 50.428 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 31.000 lao động.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp của danh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những dự án trọng điểm.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét giải quyết và trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhiều vấn đề như việc cấp phép thăm dò khoáng sản đối với Tổ hợp dự án Nhà máy xi măng Đại Dương; điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh; điều chỉnh cải tạo, nâng cấp dây chuyền 1 với công suất từ 2.500 tấn Clinhke/ngày lên 12.500 tấn Clinhke/ngày của dự án Nhà máy xi măng Công Thanh…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh vị trí, vai trò của Khu kinh tế Nghi Sơn đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hoá nói riêng, đối với khu vực và đất nước nói chung. Từ đó yêu cầu các sở, ngành chức năng của tỉnh, cấp uỷ, chính quyền thị xã Nghi Sơn và cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để biến nhận thức thành hành động và kết quả cụ thể, để trong tương lai Khu kinh tế này sẽ trở thành khu kinh tế trọng điểm của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị (khóa XII).

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cũng cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể, những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn, đồng thời yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành chức năng và thị xã Nghi Sơn phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xác định mốc thời gian, từng phần việc và trách nhiệm của mỗi bên để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Đỗ Minh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp phải xây dựng phương án phòng, chống dịch khả thi nhất, bảo đảm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch an toàn.

Hoài Thu