Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa là hơn 10.630 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương hơn 7.108 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương gần 3.522 tỷ đồng. Hiện, UBND tỉnh đã giao kế hoạch chi tiết hơn 10.630 tỷ đồng, bằng 100% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ thông báo.

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đến ngày 10/05, toàn tỉnh đã giải ngân được 3.372 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch. Theo nguồn tổng hợp từ Bộ Tài chính, lũy kế 03 tháng, ước thực hiện 04 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đứng thứ tư cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn các dự án đầu tư công; một số nguồn vốn có tiến độ giải ngân nhanh so với kế hoạch giao chi tiết.

Nếu phân theo chủ đầu tư, năm 2022 tổng số chủ đầu tư đã được giao kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 83 chủ đầu tư, trong đó có 14 chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, 27 chủ đầu tư là UBND cấp huyện, 35 chủ đầu tư là UBND cấp xã và 7 chủ đầu tư là đơn vị khác.

Tuy nhiên, tính đến ngày 10/05, có 51 chủ đầu tư giải ngân vốn đạt từ 30% kế hoạch trở lên; 10 chủ đầu tư mới giải ngân đạt từ trên 10% đến dưới 30% kế hoạch; 8 chủ đầu tư chỉ giải ngân dưới 10% kế hoạch; 14 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Nguyên nhân những dự án chưa bảo đảm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, ngoài các nguyên nhân khách quan, vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan, như: Các chủ đầu tư còn thiếu cụ thể, thiếu quyết liệt, tinh thần, trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án; một số huyện chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng cho triển khai dự án; năng lực của một số đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn hạn chế, chưa tập trung máy móc, nhân lực và thiết bị để thi công; tiến độ thẩm định hồ sơ của các dự án khởi công mới của một số cơ quan chuyên môn còn chậm…

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các cấp ủy, sở, ngành, địa phương trong triển khai và giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.

Năm 2021 và 04 tháng đầu năm 2022 công tác đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng của Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt những tháng đầu năm tỉnh xếp thứ tư cả nước về giải ngân vốn các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, việc giải ngân vốn của nhiều dự án chưa được như kỳ vọng.

Với những hạn chế, tồn tại nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan, các địa phương tổ chức rà soát lại từng dự án để thấy những điểm nghẽn cụ thể, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Đồng thời, ông Đỗ Minh Tuấn cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh, phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, sáng tạo trong chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ dự án cũng như giải ngân vốn; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai.

Các bên liên quan phải tập trung cao để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các địa phương đang có dự án chậm tiến độ phải thành lập ban chỉ đạo để tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án.

Từ tháng 05/2022, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tổng hợp, có văn bản thông báo tiến độ giải phóng mặt bằng và giải ngân các dự án, gửi trực tiếp cho lãnh đạo các địa phương trong ngày 25 hằng tháng để biết và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn.

Với các dự án chưa triển khai, các chủ đầu tư phải yêu cầu đơn vị tư vấn ký cam kết tiến độ các khâu thủ tục liên quan, nếu không hoàn thành có thể thay tư vấn; những dự án chậm tiến độ nhiều lần, vi phạm hợp đồng cam kết, có thể xem xét để chấm dứt, thuê nhà thầu khác. Trong quá trình triển khai, không lấy lý do những khó khăn vướng mắc để giải thích cho việc chậm tiến độ, các bên phải tập trung giải quyết.

Với những dự án khởi công mới và dự án chuẩn bị đầu tư, đồng chí yêu cầu trước ngày 30/08 phải giải ngân đạt từ 60% kế hoạch vốn năm 2022, nếu không đạt kế hoạch, sẽ xem xét chuyển vốn cho dự án khác.

Lê Nam