Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thanh Hoá: Dấu ấn vị trí thứ 12 toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến ngày 9/5/2024, toàn tỉnh Thanh Hoá đã giải ngân được 3.648,2 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 28,4% kế hoạch; đứng thứ 12 về tỷ lệ giải ngân vốn nhanh trong 63 tỉnh, thành phố. Những con số này đã cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương này thời gian vừa qua.

Dấu ấn đặc biệt từ đầu tư công

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến UBND tỉnh Thanh Hoá với các huyện, thị xã, thành phố về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh diễn ra vào hồi tháng 4.2024, tổng nguồn kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 của tỉnh là 12.780,458 tỷ đồng.

Trong đó, vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 647,679 tỷ đồng; vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 17,116 tỷ đồng.

Trên cơ sở nguồn vốn được giao, ngay từ những tháng đầu năm, các ngành, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch.

Tính đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 2.275,7 tỷ đồng, bằng 17,8% kế hoạch, cao hơn 4,13% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, đứng thứ 14 trong 63 tỉnh, thành phố giải ngân nhanh.

Cũng theo báo cáo, đến nay có 19 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân đạt từ trên mức giải ngân trung bình của tỉnh; 29 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh. Có 26 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch; 41 dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...

Tại Chỉ thị số 01 được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn ký ban hành đầu năm về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2024, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu, tất cả các chương trình, dự án phải hoàn thành giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công năm 2024, vốn năm 2022 và vốn năm 2023 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 (nếu có) tại tỉnh phải hoàn thành giải ngân trước ngày 31/12/2024.

Tính đến ngày 9/5/2024, đứng thứ 12 về tỷ lệ giải ngân vốn nhanh trong 63 tỉnh, thành phố.
Tính đến ngày 9/5/2024, Thanh Hoá đứng thứ 12 về tỷ lệ giải ngân vốn nhanh trong 63 tỉnh, thành phố.

Cuối tháng 5.2024, sự quyết liệt của người đứng đầu UBND tỉnh Thanh Hoá một lần nữa được thể hiện khi ban hành Công điện số 09, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Điều này đã mang lại những kết quả tích cực. Theo đó, tính đến ngày 9/5/2024, tỉnh đã giải ngân được 3.648,2 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 28,4% kế hoạch; đứng thứ 12 về tỷ lệ giải ngân vốn nhanh trong 63 tỉnh, thành phố; có 12 chủ đầu tư, địa phương giải ngân đạt từ 50% kế hoạch vốn trở lên.

Tuy nhiên, cả tỉnh vẫn còn 501,139 tỷ đồng vốn năm 2024 do tỉnh quản lý chưa được giao kế hoạch chi tiết đến danh mục và mức vốn từng dự án một số nguồn vốn giải ngân rất chậm so với kế hoạch.

Bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại Thanh Hoá vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong một hội nghị trực tuyến trước đây, các đại biểu đã thảo luận về nguyên nhân của tình trạng này. Trong đó, nguyên nhân khách quan được xác định là do thiếu hụt nguồn cung đất đắp, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ.

Nguyên nhân chủ quan được cho là do năng lực triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan chưa đảm bảo. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập dẫn tới tình trạng một số dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân…

Để phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2022, năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024) đạt 100% kế hoạch trước ngày 31/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực, các chủ đầu tư khẩn trương, quyết liệt tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành từ đầu năm đến nay; tập trung nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị, thực hiện thi công “3 ca, 4 kíp” đối với các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn nước ngoài, các dự án trọng điểm, dự án thuộc tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa.

Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 phải gắn liền với bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí nguồn lực Nhà nước.

UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao rà soát, cắt giảm, dừng thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp huyện chưa thực sự cần thiết; xác định cụ thể nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp huyện quản lý có trách nhiệm phải bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công do tỉnh quản lý; trên cơ sở đó, khẩn trương rà soát, trình HĐND cùng cấp xem xét, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện cho các dự án này, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Thương hiệu tham gia nhiều dự án đầu tư công 

Nhiều năm qua, với sự phát triển thần tốc về hạ tầng giao thông, đô thị, cùng với đó là môi trường đầu tư thuận lợi, Thanh Hoá đã thu hút không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ bộ. Trong đó, hàng loạt dự án đầu tư công tại địa phương này đã gắn với một số tên tuổi lớn. Điển hình như Tổng CTCP Miền Trung (Tổng công ty Miền Trung – PV).

Theo tìm hiểu, Tổng công ty Miền Trung được thành lập vào năm 2006, trụ sở đặt tại số 137 đường Lý Nam Đế, phường Đông Hương, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Doanh nghiệp do ông Nguyễn Hữu Vinh, chức danh Tổng giám đốc đại diện pháp luật, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Trong quá trình hoạt động, một trong những dấu ấn mà Công ty Miền Trung gây dựng có lẽ là số lượng gói thầu mà doanh nghiệp này tham gia và tỷ lệ trúng thầu. Theo tài liệu, Tổng công ty Miền Trung đã tham gia 51 gói thầu, trong đó trúng 45 gói, trượt 4 gói, 2 gói chưa có kết quả.

Tổng giá trị trúng thầu lên đến hơn 4.801 tỷ đồng, trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 2.041 tỷ đồng. Tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh hơn 2.759,68 tỷ đồng. Tỉ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán đạt 88.96%.

Tổng CTCP Miền Trung trúng gói thầu số 09 với giá trúng thầu 195 tỷ đồng
Tổng CTCP Miền Trung trúng gói thầu số 09 với giá trúng thầu 195 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng so với giá dự toán, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 0,51%.

Đáng chú ý, trong số 45 gói thầu mà doanh nghiệp này đã trúng, có tới 44 gói thầu thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Một điểm đặc biệt nữa là trong những gói thầu trên, có rất nhiều gói thầu chỉ có duy nhất Tổng công ty Miền Trung tham dự và trúng thầu. Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp.

Đơn cử như Gói thầu số 09: Thi công xây dựng và mua sắm lắp đặt thiết bị công trình và bảo hiểm công trình (không bao gồm thiết bị giảng dạy, học tập, hành chính). Gói thầu này được phê duyệt HSMT vào ngày 29/3/2024, đóng thầu vào ngày 16/4/2024. Tổng Công ty Miền Trung là nhà thầu duy nhất tham gia và trúng thầu với giá 195,07 tỷ đồng, trong khi giá dự toán là 196,08 tỷ đồng, tức chỉ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 0,51%. Thời gian thực hiện hợp đồng 600 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Trước đó, vào năm 2023, trong vai trò nhà thầu độc lập, Tổng công ty Miền Trung cũng trúng gói thầu số 06: Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả bảo hiểm, thuế tài nguyên môi trường và hạng mục khác do Ban QLĐTXD huyện Ngọc Lặc làm chủ đầu tư, với giá trúng là 115,27 tỷ đồng, tiết kiệm 232,3 triệu đồng so với giá dự toán, tương ứng tỷ lệ 0,2%.

Hay năm 2022, tại Gói thầu số 10: Thi công xây dựng (Bao gồm cả bảo hiểm) năm 2022 do ban QLDA ĐTXD huyện Yên Định làm chủ đầu tư, Tổng công ty Miền Trung cũng là đơn vị duy nhất tham dự và trúng thầu với 178,5 tỷ đồng, tiết kiệm 467,6 triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,26%...

Trong vai trò liên danh, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tại những gói thầu mà doanh nghiệp này tham gia rồi trúng thầu cũng ở mức rất khiêm tốn.

Mới đây nhất, tại Gói thầu số 5 Thi công xây dựng công trình và cung cấp, lắp đặt thiết bị (bao gồm cả thí nghiệm nén cọc và bảo hiểm công trình trong thời gian thi công) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nhà điều trị bệnh nhân và các hạng mục phụ trợ Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh (tổng mức đầu tư 98,6 tỷ đồng) do BQL Dự án ĐTXD huyện Như Thanh làm chủ đầu tư, Tổng công ty CP Miền Trung - Công ty TNHH Vật tư khoa học kỹ thuật Đông Dương đã trúng thầu với giá 89,998 tỷ đồng, trong khi giá dự toán là 90,188 tỷ đồng.

Gói thầu được mở thầu ngày 15/4/2024 với 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Trong đó, Liên danh Công ty TNHH MTV Bạch Đằng - Công ty CP Thương mại Việt Phúc có giá dự thầu cạnh tranh hơn (86,888 tỷ đồng) nhưng bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Trước đó, vào ngày 10/1/2024, UBND thị xã Nghi Sơn đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 12: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu vực Hải Bình và Xuân Lâm (bao gôm cả bảo hiểm xây dựng công trình) thuộc dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phục vụ di dân xã Hải Hà thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Miền Trung – Hoàng Tuấn – Huy Hoàn, giá trúng thầu là 551,188 tỷ đồng, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Tiến độ thực hiện hợp đồng 450 ngày.

Liên danh Tổng CTCP Miền Trung - Hoàng Tuấn - Huy Hoàn trúng gói thầu số 12 với giá trúng thầu
Liên danh Tổng CTCP Miền Trung - Hoàng Tuấn - Huy Hoàn trúng gói thầu số 12: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu vực Hải Bình và Xuân Lâm thuộc dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phục vụ di dân xã Hải Hà thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Giá trúng thầu là 551,188 tỷ đồng.

Kết quả đánh giá về hồ sơ đề xuất tài chính tại gói thầu này cho thấy, Liên danh Miền Trung – Hoàng Tuấn – Huy Hoàn là nhà thầu duy nhất đáp ứng kỹ thuật và được đánh giá tài chính. Đáng chú ý, liên danh này có giá dự thầu sau hiệu chỉnh sai lệch thừa trừ giá trị giảm giá (nếu có), tính ưu đãi (nếu có) là hơn 556,842 tỷ đồng, lớn hơn giá dự toán gói thầu được duyệt là 546,832 tỷ đồng được phê duyệt tại Quyết định số 6327 ngày 11/10/2023 của Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn. Giá gói thầu và giá dự thầu của nhà thầu có sự chênh lệch lớn.

Tổ chuyên gia đấu thầu đề nghị Bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét quyết định việc áp dụng quy định về xử lý tình huống trong đấu thầu theo Khoản 8, Điều 117 Nghị định số 63/2014 của Chính phủ.

Vào năm 2022, tại Gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thiệu Hoá làm chủ đầu tư, liên danh Tổng CTCP Miền Trung – CTCP 471 – CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đã trúng thầu với giá 404,767 tỷ đồng, trong khi giá gói thầu là 405,247 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 720 ngày.

Trao đổi với Thương hiệu và Công luận, một chuyên gia pháp lý về đấu thầu cho biết, công tác đấu thầu ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ với hệ thống pháp luật được hoàn thiện, đặc biệt, việc áp dụng công nghệ cao như đấu thầu qua mạng gần đây đang có xu hướng phát triển mạnh, giúp tăng cường minh bạch, khách quan và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, công tác đấu thầu vẫn tồn tại nhiều bất cập như tình trạng "quen mặt" của doanh nghiệp trong nhiều gói thầu tại một số địa phương. Việc chủ đầu tư liên tục trao cơ hội cho một nhà thầu thì gói thầu đó không còn là một cuộc chơi công bằng, minh bạch dẫn đến đầu tư ngân sách thông qua đấu thầu sẽ không đạt được kỳ vọng. 

"Điều này làm mất đi tính cạnh tranh công bằng, tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn công, đặc biệt là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp mới muốn tham gia đấu thầu do sự thống trị của các doanh nghiệp quen mặt, dẫn đến việc giảm tính minh bạch và hiệu quả của quá trình đấu thầu", chuyên gia này cho biết.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm ngân sách thấp, có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của dự án và cả nền kinh tế.

Trước hết, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách thấp đồng nghĩa với việc chi phí thực hiện dự án gần sát với dự toán ban đầu, do đó cho thấy ngân sách không được sử dụng tối ưu. Không những thế, việc doanh nghiệp trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm thấp rất có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự án, khi đó, doanh nghiệp có ít động lực để tối ưu hóa chi phí và tăng cường hiệu quả công việc. Nhất là nếu doanh nghiệp tập trung vào việc hoàn thành dự án với chi phí gần với mức dự toán hơn là cải tiến và tối ưu hóa quy trình.

Bên cạnh đó, chuyên gia này lưu ý, một tỷ lệ tiết kiệm ngân sách thấp có thể làm dấy lên nghi ngại rằng trong quá trình đấu thầu đã thiếu đi sự minh bạch. Các doanh nghiệp có thể đã đạt được thỏa thuận ngầm để giữ giá ở mức cao, hoặc có thể có sự can thiệp không công bằng trong quá trình chọn nhà thầu.

Ngoài ra, nếu chỉ có một số ít doanh nghiệp tham gia và mức giá chênh lệch không đáng kể, điều này có thể gợi ý rằng thị trường đấu thầu đang thiếu sự cạnh tranh, dẫn đến giá thầu cao hơn so với mức thực tế có thể đạt được. Mặt khác, việc thiếu tiết kiệm ngân sách trong các dự án lớn sẽ dẫn đến sự lãng phí nguồn lực công, làm giảm hiệu quả đầu tư công, và cuối cùng là ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, từ đó làm giảm khả năng của Chính phủ trong việc thực hiện các dự án phát triển khác và cải thiện hạ tầng quốc gia.

Theo chuyên gia này, để hạn chế các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và minh bạch trong quá trình đấu thầu. Ngoài ra, cần thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và áp dụng các công nghệ hiện đại để cải thiện hiệu quả quản lý dự án và sử dụng ngân sách.

Liên quan đến Tổng CTCP Miền Trung, Thương hiệu và Công luận từng đưa tin về việc liên danh doanh nghiệp này với CTCP IDEC Việt Nam – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Đông Hải, TP. Thanh Hoá phải nhận “án phạt” 90 triệu đồng từ UBND tỉnh Thanh Hoá do thi công xây dựng các hạng mục công trình không đúng thiết kế được thẩm định gồm 5 lô biệt thự và 56 lô liền kề tại dự án Khu đô thị Đông Hải. Hành vi nói trên đã vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 16, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, UBND TP Thanh Hóa còn yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công, trong thời hạn 90 ngày hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thiết kế đối với các công trình vi phạm trên.

Bình Nguyên

Bài liên quan

Tin mới

Coi trọng vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Coi trọng vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Đảng ta nhận thức sâu sắc và khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, coi việc củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tháng 9 và quý IV/2024.

Miền Trung mưa như trút nước, nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất
Miền Trung mưa như trút nước, nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mối nguy hiểm lớn nhất đến từ bão là khả năng gây mưa rất lớn và kéo dài cho một khu vực rộng lớn. Hôm nay và ngày mai, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm. Do mưa lớn sẽ kéo theo nguy cơ lũ trên dòng sông, ngập lụt ở nơi trũng thấp và sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiểm tra công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiểm tra công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới

Chiều 18/9, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đi kiểm tra công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão tại quận Thanh Khê.

Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024
Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND về việc tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024.

47 năm Việt Nam gia nhập LHQ: Nỗ lực đóng góp cho hòa bình thế giới
47 năm Việt Nam gia nhập LHQ: Nỗ lực đóng góp cho hòa bình thế giới

Cách đây 47 năm, Quốc kỳ của Việt Nam tung bay trước Trụ sở Liên Hợp quốc. Việt Nam đã cử quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc và chứng minh cho thế giới thấy, Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm và luôn nỗ lực đóng góp cho hòa bình thế giới.