Tỉnh Thanh Hóa thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán
Tỉnh Thanh Hóa thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công văn số 742/UBND-KTTC yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các các nhiệm vụ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, giá cả, cân đối cung cầu hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của Nhân dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, dự báo sớm nguồn cung và nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có nhiều biến động về giá cả, chủng loại để chủ động có phương án hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình sản xuất, tình hình thời tiết, diễn biến dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu phi, dịch Cúm gia cầm để có kế hoạch cụ thể đảm bảo cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá; Cân đối nguồn 2 hàng lương thực, thực phẩm và dự trữ đủ lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của Nhân dân với giá ổn định.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, tiết giảm chi phí nhằm cung cấp hàng hóa có chất lượng với giá cả hợp lý đến tận tay người tiêu dùng; hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh dự trữ hàng hoá thiết yếu thực hiện công tác bình ổn thị trường, giá cả trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với tình hình dịch Covid-19 với các hình thức trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên ứng dụng thương mại điện tử; thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Khuyến khích, kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng hoá sản xuất trong nước, trong tỉnh đến khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng hoá với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Đồng thời, triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các chợ dân sinh, các chợ đầu mối trên địa bàn nhằm bảo đảm các hoạt động cung ứng, trao đổi hàng hóa dịp Tết Nguyên đán thông suốt, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 247/KH-BCĐ ngày 15/11/2021 của Ban chỉ đạo 389 tỉnh về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo Nhân dân đón Tết Nguyên đán an toàn; có biện pháp kiểm soát hoạt động thu mua, phân phối hàng hóa; ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định như không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức…

 Hoài Thu