Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 5/2021, tỉnh này đã có 400 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và chủ yếu là sản phẩm làng nghề nên rất khó xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của mình hoặc đã đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa song vẫn loay hoay để phát triển thị trường, hướng tới xây dựng thương hiệu vững mạnh hơn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tế Tâm, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, cho biết: Trên thị trường, nhất là tại các làng nghề, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm khá giống nhau. Vì vậy, các cơ sở sản xuất phải tạo được sự khác biệt mới có thể tạo dựng được nhãn hiệu - định vị riêng cho một sản phẩm.
Do đó, đơn vị sản xuất muốn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm và phát triển hiệu quả, bền vững nhãn hiệu đó cần có quy trình, thiết kế nhãn hiệu khác biệt và quá trình quảng bá phù hợp. Nhất là, phải bảo đảm hàng hóa đúng với quảng cáo để giữ uy tín, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Ngoài ra, đơn vị chủ thể của sản phẩm công nghiệp nông thôn cần phải có chính sách khuyến mại, chính sách bảo hộ thương hiệu, có đội ngũ nhân viên để cập nhật thị trường; nắm bắt, theo dõi tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, để kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý, từ đó đưa ra các biện pháp cần thiết để thông báo cho khách hàng...
Được biết, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương, đơn vị đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ vào sản xuất, nhất là phát triển mặt hàng chủ lực của địa phương.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các dự án bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Ngoài ra, chính quyền các cấp lồng ghép, vận dụng nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nâng cao kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Qua đó, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và nâng cao giá trị sản xuất, như: chiếu cói Việt Trang, mắm Lê Gia, bánh gai Lâm Thắng, gạo sạch Hương Quê, chè lam Phủ Quảng, rượu Chine men xanh cao cấp, nước mắm Ba Làng... góp phần hữu hiệu thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hoài Thu