Thành nhà Hồ thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Đây là kinh đô nước Việt Nam từ năm 1398 - 1407.
Thành do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là Tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397, trên tổng diện tích 5.234 ha, bao gồm các kiến trúc chính là Thành Nội, Hào Thành, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Đây là tòa thành đá kỳ vĩ mang kiến trúc kết hợp giữa phong cách truyền thống của Việt Nam với khu vực Đông Á và Đông Nam Á, là ví dụ điển hình về một quần thể kiến trúc nằm giữa cảnh quan thiên nhiên mà có kỹ thuật xây dựng độc đáo và sử dụng các nguyên vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn (nặng từ 15 - 20 tấn).
Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, kiến trúc thành nhà Hồ không còn nguyên vẹn. Hiện thành Nội chỉ còn lại một số di tích, di vật như: nền móng, phần tường thành, bốn cổng thành, khuôn viên cổng Nam, đôi rồng bậc thềm bằng đá, đường lát đá Hoa Nhai, bi đá, đạn đá, đồ gốm sứ và các hiện vật có giá trị đặc trưng cho văn hóa Trần - Hồ. Hào thành còn dấu tích ở phía bắc, phía đông và một nửa phía nam thành nhà Hồ. Dấu tích La thành đã được tìm thấy tại địa phận làng Bèo (xã Vĩnh Long) với chiều dài 2.051,9 m, cao khoảng 5 m, mặt cắt dạng hình thang với bề mặt rộng 9,2 m, chân thành rộng 37 m và đã được khoanh vùng bảo vệ. Đàn Nam Giao còn lộ rõ dấu tích 5 nền đàn với độ cao chênh lệch giữa nền thấp nhất và cao nhất là 7,8 m. Đây là nơi nhà Hồ tổ chức lễ tế trời, cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, vương triều trường tồn, thịnh trị.
Bao quanh thành nhà Hồ là các cảnh quan, di tích độc đáo như hang Nàng và núi An Tôn, phòng trưng bày các tài liệu, hình ảnh về di sản Thành nhà Hồ, chùa Du Anh và động Hồ Công, chùa Giáng, đình Đông Môn...
Tháng 6/2011, thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trong đó khu vực được công nhận có tổng diện tích 155,5 ha, bao gồm thành Nội (142,2 ha), đàn Nam Giao (4,3 ha) và một phần của La Thành (9 ha).
Để góp phần đưa Di sản Văn hóa thế giới thành nhà Hồ tiếp cận công chúng, cũng như nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách đến tham quan, Ban Quản lý Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ đã tổ chức không gian trưng bày ngoài trời, tại Di sản Văn hóa thế giới thành nhà Hồ.
Không gian trưng bày, bao gồm các hiện vật chân tảng đá sưu tập được sau khai quật trong thành Nội tại Di sản Văn hoá thế giới thành nhà Hồ.
Song song đó, Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới thành nhà Hồ cũng chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, tiếp du khách ghé thăm, dựng bảng biển giới thiệu, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên... Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường, vệ sinh, cây cỏ... cũng được quy hoạch, nâng cấp để tiện đó tiếp khách du lịch.
Lê Nam