Bên cạnh bánh dẻo, bánh nướng - món quà không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu thì đồ chơi cho trẻ em cũng là một lựa chọn quan trọng được các bậc phụ huynh lưu tâm. Theo khảo sát của phóng viên Thương hiệu và Công luận trên địa bàn TP. Thanh Hóa, hiện, hoạt động mua bán đồ chơi những ngày này diễn ra hết sức sôi nổi.
Trước đó, đón đầu mùa Trung thu năm nay, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2023.
Ngay từ đầu tháng 9, các Đội quản lý thị trường đã tiến hành rà soát, nắm bắt số cơ sở kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu, đồ chơi trẻ em trên địa bàn quản lý; đồng thời chủ động phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình kiểm tra, các Đội còn kết hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các hộ kinh doanh để các hộ không tham gia, không tiếp tay đối với với các hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực trong tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng thực tế trên thị trường đồ chơi trẻ em vẫn còn tồn tại không ít những “gam màu xám”. Cụ thể, bên cạnh các loại đồ chơi hàng Việt như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép trông trăng, đèn kéo quân giấy bóng kính, đèn cù, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng, trống mặt da… vẫn còn nhiều sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được trà trộn bày bán, gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ em.
Theo ý kiến và phản ánh của nhiều người tiêu dùng, các mặt hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, dù nhận biết được sự độc hại của các sản phẩm, tuy nhiên vì giá cả phải chăng, nhiều màu sắc, mẫu mã bắt mắt nên vẫn được nhiều cơ sở kinh doanh nhập về bán.
Thực tế cho thấy, việc đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây hại đã được cảnh báo từ lâu, nhưng mặt hàng này vẫn có mặt khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị. Bất chấp cảnh báo, người tiêu dùng cũng như người buôn bán vẫn đưa mặt hàng này vào kinh doanh và sử dụng.
Trên thị trường hiện có đa dạng các loại đồ chơi cho trẻ em, theo ý kiến của các chuyên gia, mặt hàng đồ chơi trẻ em phải được sản xuất với tiêu chuẩn, kiểm soát rất khắt khe, làm sao đảm bảo nhựa dùng phải là nhựa nguyên chất, không phải nhựa tái sinh có nhiễm tạp chất bẩn.
Thêm nữa, các chất đưa vào như chất làm dẻo hóa, chất ôxy hóa, chất chống lão hóa… đều phải là những chất nằm trong danh mục được sử dụng cho sản xuất đồ chơi trẻ em. Bởi, những chất này nếu tồn dư nồng độ cao phơi nhiễm với hàm lượng thì có khả năng gây tác động đến sức khoẻ.
Những đồ chơi được sản xuất ở các nhà máy, công ty được kiểm soát thì tương đối an toàn. Còn tất cả những hàng trôi nổi, có thể người sản xuất sử dụng nhựa tái sinh, dùng các hoá chất công nghiệp hoặc có thể dùng các chất cấm để làm những đồ chơi bắt mắt, giá siêu rẻ, không rõ nguồn gốc… rõ ràng chứa nguy cơ gây hại đến sức khỏe của trẻ.
Do đó, để Tết Trung thu diễn ra vui tươi, an toàn, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em. Từ đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mùa Tết Trung thu.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận thực tế tại TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa):
Shop Khánh Ben là cơ sở kinh doanh khá nổi tiếng tại Thanh Hóa có địa chỉ tại 531 Nguyễn Trãi, TP. Thanh Hóa. Tại đây bày bán la liệt các loại đồ chơi có dấu hiệu trôi nổi, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại cho trẻ em:
Không chỉ shop Khánh Ben, mà tại shop Cua Party ở địa chỉ 217 Tống Duy Tân, TP. Thanh Hóa cũng bày bán không ít mặt hàng có dấu hiệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận hợp quy và cảnh báo an toàn theo quy định:
Vấn nạn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ tồn tại ở các cửa hàng bán đồ chơi mà còn ở các điểm bán hàng bên ngoài lề đường.
Ghi nhận trên đường Lê Hoàn, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa, đoạn khu vực đang xây dựng khu căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại Bờ Hồ, có một điểm bán hàng tự phát. Tại đây bày bán đủ loại đồ chơi trẻ em, từ thú nhồi bông, xe tăng, máy xúc, lắp ghép... cho đến các mặt hàng đồ chơi bạo lực như súng :
Tiến Minh