Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND, ngày 13/4/2022, của HĐND tỉnh, ngày 10/2/2023, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về thực hiện chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp năm 2023.

Hiện nay, các đơn vị được giao triển khai nhiệm vụ đang tích cực phối hợp với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng chính sách.

Theo Kế hoạch số 23/KH-UBND, tỉnh Thanh Hóa sẽ dành nguồn kinh phí gần 15 tỷ đồng, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó tập trung các chính sách về hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu mới; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số; tổ chức hơn 150 lớp bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển phát khoảng 10.000 kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; hỗ trợ sử dụng chữ ký số cho khoảng 2.900 doanh nghiệp...

Một trong những chính sách nổi bật và thiết thực đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đó là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa. Chính sách này, sẽ hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia tại hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại tổ chức ở trong nước với kinh phí không quá 55 triệu đồng/doanh nghiệp.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch tỉnh đã thực hiện thông báo và có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, thực hiện trình tự hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Theo chính sách này, năm 2023, sẽ có 10 doanh nghiệp được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, tối đa không quá 250 triệu đồng/doanh nghiệp/thị trường xuất khẩu mới. Theo tiêu chuẩn hỗ trợ, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí, như có cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị dây chuyền sản xuất, chế biến các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường mới theo hợp đồng tư vấn với kim ngạch xuất khẩu tối thiểu 300.000 USD.

Với chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, năm 2023, sẽ có 15 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh; có 25 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhưng không quá 55 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 110 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.

Đồng thời, chính sách này, hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh, nhưng không quá 22 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 55 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 110 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa...

Hoài Thu