Theo báo cáo của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đến ngày 08/03, tổng diện tích gieo trồng cây vụ xuân toàn tỉnh đạt 173.179 ha/192.000 ha kế hoạch, đạt 90,2%. Mặc dù, đã triển khai phương án, thực hiện các giải pháp chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, nhưng một số địa phương vẫn còn tình trạng gieo, cấy trước thời vụ. Qua kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật cho thấy, hiện nay diện tích lúa cấy sớm đang trong giai đoạn phân hóa đòng bước 2 đến bước 3 nên nguy cơ cao lúa trỗ sớm, trùng vào các thời điểm bất thuận của thời tiết gây tình trạng thoái hóa đầu bông ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ xuân.
Hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ xuân đối với các cây trồng còn thời vụ, đảm bảo kế hoạch về diện tích gieo trồng.
Đồng thời, Chi cục chỉ đạo phối hợp với các nhà máy tổ chức thu hoạch mía, sắn nguyên liệu, chăm sóc diện tích mía lưu gốc và giám sát chặt chẽ giống sắn, loại bỏ các lô giống có nguy cơ bị bệnh khảm lá sắn. Cùng với đó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, bám sát đồng ruộng giám sát chặt chẽ các đối tượng sâu, bệnh hại ngay từ đầu vụ để có phương án phòng, trừ hiệu quả. Đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng sinh vật gây hại có khả năng bùng phát thành dịch, như: chuột, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn trên lúa, sâu keo mùa thu trên ngô...
Phối hợp chặt chẽ với các Công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn để điều tiết đủ nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân; phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường kiểm tra đánh giá diện tích lúa cấy sớm, xác định cụ thể giai đoạn sinh trưởng để có giải pháp phù hợp.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực trồng trọt năm 2023, như: Đề án phát triển cây ăn quả; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; chương trình IPM năm 2023; chương trình đốt bẫy đèn trên cây nông lâm nghiệp; công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn theo Kế hoạch 180/KH-UBND ngày 28/07/2021 của UBND tỉnh; chương trình mã số vùng trồng xuất khẩu và nội địa…
Cùng với đó, các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2026 và tập trung ý kiến đề xuất cơ chế hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất vụ đông trên đất lúa; hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp khác để sản xuất cây trồng vụ đông theo chuỗi giá trị làm nguyên liệu chế biến, phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình sản xuất vụ đông ứng dụng công nghệ cao.
Khánh An