Năm 2023, dự báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu và khí đốt tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng này vẫn còn nhiều điều khó lường và được dự đoán sẽ chưa thể kết thúc trong năm nay.
Điều này đặt ra áp lực lớn đối với nguồn cung năng lượng tại Việt Nam vốn đã thiếu hụt do kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Bài toán đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn cho toàn quốc phải đối diện với nhiều thách thức.
Trong khi đó, những ngày gần đây liên tục ghi nhận thông tin về thời tiết nắng nóng trên cả nước, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều tăng cao.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo sát sao đối với ngành điện nhằm tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt là kêu gọi người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Tại Thanh Hóa, trước nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu trước mắt, cùng chung tay chia sẻ với ngành điện, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đó, với Nhà máy Gang thép Nghi Sơn có sản lượng điện tiêu thụ trung bình khoảng 2,3 triệu kWh/ngày. Sau khi nhận được chương trình DR từ Công ty Điện lực Thanh Hóa, nhà máy đã có áp dụng một số giải pháp về tiết kiệm năng lượng. Đầu tháng 5 năm 2023, nhà máy đã ra quyết định điều chỉnh các chế độ vận hành của thiết bị, tiết giảm công suất vận hành của các thiết bị phụ trợ để giảm sản lượng điện.
Cụ thể: Với hệ thống quạt hút bụi và nước giải nhiệt, việc vận hành sẽ giảm theo sản lượng nấu luyện của lò, dừng trước khoảng từ 20 đến 30 phút và khởi động chậm hơn lò thép 10 đến 20 phút; việc nấu luyện của lò cũng được giảm công suất điện và kéo dài thời gian để bảo đảm tiết giảm năng lượng trong thời gian cao điểm; điều chỉnh thời gian chiếu sáng cho phù hợp, sử dụng thiết bị chiếu sáng bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời tại khuôn viên của nhà máy; sử dụng quạt có công suất nhỏ, kết hợp lấy gió tự nhiên để làm mát nhà xưởng; tại khu vực văn phòng thực hiện bật điều hòa muộn hơn và để ở chế độ từ 27 độ C trở lên…
Theo thống kê, sau khi áp dụng các giải pháp tiết kiệm từ đầu tháng 5, đến nay, Nhà máy Gang thép Nghi Sơn đã giảm được lượng điện tiêu thụ từ 5 đến 8%.
Còn tại Công ty TNHH Giầy Alina Việt Nam đóng trên địa bàn huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có mức tiêu thụ điện năng trên trên 1 triệu kWh/năm. Để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ngoài việc công ty phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR); dừng hoạt động vào giờ cao điểm buổi tối trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện của Nhân dân tăng cao; ưu tiên sử dụng quạt thông gió và nguồn ánh sáng tự nhiên, công ty còn ban hành quy chế sử dụng điện nội bộ, trong đó yêu cầu: 12h mới được bật điều hòa và đến 15h thực hiện tắt điều hóa; tất cả cán bộ, công nhân viên tắt hết các thiết bị điện khi rời vị trí làm việc, hạn chế số lượng đèn chiếu sáng sử dụng vào buổi tối.
Bên cạnh đó, bộ phận cơ điện của công ty định kỳ 2 tuần/lần tiến hành vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị điện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Điện lực Quảng Xương thường xuyên kiểm tra trạm biến áp để bảo đảm nguồn điện sử dụng luôn an toàn...
Tiết kiệm năng lượng hiện đang là vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu. Việc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện sẽ góp phần cùng ngành điện bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển bền vững.
An Dương