Toàn cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1998 và bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, thị trường bán hàng đa cấp trải qua nhiều biến động. Không ít tổ chức, doanh nghiệp đã lợi dụng một số đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong thời gian qua, đã được nâng cao rõ rệt, từ khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực.

Các giải pháp quản lý đã được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, với sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật đã bị kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua nhiều hình thức lại có xu hướng nở rộ, gây dư luận rất xấu và hệ lụy lớn, đặt công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trước những khó khăn và thử thách mới.

Hội nghị tuyên truyền dấu hiệu nhận diện bán hàng đa cấp bất chính là một trong những nội dung triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021 – 2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thông qua hội nghị, cán bộ quản lý nhà nước, người dân được trang bị thêm kiến thức để hiểu rõ hơn về loại hình kinh doanh đa cấp, nhận diện dấu hiệu bán hàng đa cấp bất chính; từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong kinh doanh đa cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Công Thương Thanh Hoá, Trần Đức Lương đã thông tin khái quát về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp.

Phó giám đốc Sở Công thương Thanh Hoá nhấn mạnh:

Kinh doanh đa cấp hiện nay đang bị biến tướng và xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Nhất là khi công nghệ số, nền tảng số đang phát triển mạnh, việc kinh doanh đa cấp đang có nhiều biến tướng dễ bị nhầm lẫn, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Trước thực trạng đó, để nâng cao nhận thức về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo hình thức đa cấp, từ đó chủ động phòng ngừa các vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân.

Sau đó, các đại biểu và Nhân dân được nghe các báo cáo viên đến từ Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh giới thiệu các nội dung chuyên đề trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

Trong đó, báo cáo viên Sở Công Thương giới thiệu nội dung các chuyên đề: Quy định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; nhận diện dấu hiệu bán hàng đa cấp biến tướng và biện pháp xử lý. Theo đó, báo cáo viên đã thông tin chi tiết về các “kịch bản” lừa đảo của đối tượng kinh doanh bất hợp pháp, như phương thức kêu gọi tận dụng tối đa công cụ Internet như mạng xã hội, ứng dụng di dộng; kênh giao dịch thanh toán qua các ví điện tử, tiền ảo…

Cũng tại hội nghị, đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa đã khuyến cáo tới cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn các hình thức đa cấp bất chính đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, như: Huy động vốn hợp tác dự án kinh doanh bất động sản; các hình thức cá cược trên Intrenet… Báo cáo viên Cục Quản lý thị trường thông tin tới hội nghị về các hành vi bị cấm và chế tài xử phạt hành chính, trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

Hoài Thu