Theo đó, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII ban hành Kết luận số 55-KL/TU, ngày 26/11/2016 về phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có 14.725 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (đứng thứ 7 cả nước), với tổng vốn điều lệ đăng lý đạt 118,6 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 8 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và 5,2 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015.
Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, gắn định hướng hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tinh thần và phong trào khởi nghiệp lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên; năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp được nâng lên.
Với Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 và dự thảo Đề án phát triển, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 sẽ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Phát triển doanh nghiệp là rất quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa. Chính vì vậy, để Đề án đạt hiệu quả và có tính thực tiễn cao cần phải được thảo luận kỹ lưỡng, có cái nhìn tổng quát, sâu rộng, nhiều chiều, khi ban hành từng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh đều cảm thấy đây là “cẩm nang” làm cơ sở để phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Ông Đỗ Trọng Hưng cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển doanh nghiệp thời gian qua và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, yêu cầu Đề án cần phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; có cơ chế hỗ trợ, đồng hành, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể phát triển doanh nghiệp.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu khi Đề án được ban hành cần tập trung tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành tạo động lực mạnh mẽ để người dân khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Hoài Thu