Tại xã Thiệu Dương TP. Thanh Hóa trưa ngày 12/10, 100% các tuyến đường liên thôn vùng ngoại đê đều ngập trong nước, có những nơi nước sâu đến hơn 2m nhấn chìm hàng trăm nhà dân, người dân phải di chuyển bằng thuyền, bè; nước lụt khiến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ gia đình bị đảo lộn.
Những cánh đồng ngập trắng nước, hiện xã Thiệu Dương vẫn còn gần 7 ha lúa chưa thu hoạch, có khả năng bị mất trắng hoàn toàn. Trước tình trạng trên, UBND xã Thiệu Dương đã huy động toàn bộ lực lượng tập trung xuống các thôn vùng ngoại đê để đưa các hộ dân ra khỏi vùng ngập. UBND xã đã tổ chức cấp lương thực và nước ngọt cho các hộ dân bị cô lập.
Xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa bị nước lũ cô lập
Riêng chùa Phúc Hưng, đã cấp mỗi ngày 1.000 suất cơm miễn phí cho các hộ dân đang ở trong khu ngập lụt, không thể ra ngoài.
Để hỗ trợ người dân, lực lượng Cảnh sát Đường thủy và Công an TP Thanh Hóa đã huy động lực lượng cán bộ, chiến sĩ sử dụng 2 ca nô, tổ chức hàng trăm lượt vào, ra vùng ngập lụt để sơ tán tài sản và đưa nhân dân đến nơi an toàn.
Đến thời điểm 10h sáng ngày 12/10, 100% người già và trẻ nhỏ đã đực di tản đến nơi an toàn, 40% nhân khẩu còn lại di dời tại chỗ trên những ngôi nhà cao tầng.
Tại huyện Thọ Xuân: Vào lúc, 4h sáng, ngày 12/10, phát hiện lỗ rò lớn tại vị trí cống tiêu Trạm bơm Quang Hoa đoạn K14+350 đê hữu Cầu Chày, xã Xuân Minh, lượng nước lớn tạo thành dòng lũ gây áp lực lên thân đê có thể gây ra vỡ đê.
Nếu đê vỡ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân 6 xã xung quanh.
Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thọ Xuân đã huy động 400 người và phương tiện của các xã trong cụm, phối hợp với cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 9 (Quân khu 4) và Trung đoàn Không quân 923 - Sư đoàn 371 (Quân chủng phòng không, không quân) tập trung khắc phục sự cố.
Hàng trăm người thức cả đêm để cứu đê bị vỡ ở xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa
Đến 9h cùng ngày, với sự nỗ lực của các lực lượng, cơ bản đã khống chế được dòng nước chảy xiết của đoạn đê bị thủng vào trong khu vực dân cư. Số hộ dân vùng ngập lụt có khả năng phải di dời khoảng 5.835 hộ; số hộ đã tổ chức di dời khoảng 4.390 hộ.
Tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành: Do lưu lượng nước lớn từ thượng du đổ về, nước trên sông Bưởi dâng cao và bắt đầu tràn qua đê sông Bưởi từ 19h ngày 11/10, đến sáng 12/10, toàn xã đã bị dìm sâu trong biển nước.
Hàng nghìn ngôi nhà của người dân chỉ còn nhấp nhô nóc nhà: Hiện nay, gần 2.000 hộ dân huyện Thạch Thành bị ngập đang vật lộn với lũ dữ.
Huyện Thạch thành nước sông dâng cao tràn đê nhấn chìm nhà cửa
Trong khi, đến 8h ngày 12/10, nước sông Bưởi dâng vượt mức báo động 3 là 1,64 m và đang tiếp tục dâng. Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua cũng khiến nước dồn về khu vực huyện Hà Trung với lưu lượng lớn, gây ngập QL1A từ Km 292-296; đường sắt Bắc - Nam qua khu vực này cũng chìm trong nước và bị tê liệt trong nhiều giờ.
Trong khi đó nhiều tuyến đê trên địa bàn huyện đã bị tràn. Đoạn QL1A bị ngập dài khoảng 5 km, qua các xã Hà Bình, Hà Yên, Hà Dương đến giáp thị xã Bỉm Sơn. Nơi ngập sâu nhất khoảng 60 cm. Hiện 3 xã Hà Bắc, Hà Long, Hà Giang vẫn bị cô lập.
Sau 1 ngày chìm nghỉm trong nước, trại lợn 4000 con ở huyện Yên Định dường như bị 'xóa sổ'
Cũng liên quan đến thiệt do mưa lũ, đến chiều ngày 12/10, mặc dù đang rất nỗ lực tìm kiếm nhưng lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể tìm thấy 2 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thuộc Đồn biên phòng Yên Khương bị mất tích do mưa lũ trong rạng sáng ngày 10/10.
Trước tình hình ngập lụt trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa huy động gần 500 quân thường trực, hơn 8.500 dân quân tự vệ tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục đê điều, sạt lở đất đá trên địa bàn các huyện của tỉnh.
Nước lũ xuống nhanh gia cầm chết hàng loạt
Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị các đơn vị của Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn, huy động gần 800 quân chủ lực của Quân đoàn 1 và Sư đoàn 324, 341, Quân khu 4 tham gia giúp đỡ nhân dân các địa phương tại các vùng trọng điểm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Xác lợn nằm chết ngổn ngang trên đường
Đồng thời, kết hợp điều động lực lượng tham gia khắc phục những thiệt hại sau mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân, cùng với tổ chức các lực lượng canh gác tại các tràn, ngầm, bến đò, các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; các khu vực sạt lở đất, đá để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, trang bị và tải sản của nhân dân.
Theo báo cáo nhanh từ BPCLB tỉnh Thanh Hóa chiều ngày 12/10, cho biết: Hiện toàn tỉnh có 8 người chết, 3 người bị thương, 4 người mất tích, 39 nhà sập hoàn toàn, 6.103 nhà bị ngập, 9 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Có 423 ha lúa bị ngập; nhiều diện tích rau màu và các công trình giao thông, thảy lợi bị hư hại nghiêm trọng.
Nguyễn Thuấn