Thanh Hóa: Xử lý nhiều vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại - Hình 1

Kiểm tra hàng vi phạm

Theo đó, các mặt hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ như rượu, bánh kẹo, gia vị, phẩm mầu, nguyên liệu chế biến.

Các hành vi gian lận thương mại như, găm hàng, đầu cơ, nâng ép giá, tạo cơn sốt ảo gây rối loạn thị trường…

Trước tình hình trên, để góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm cung cấp nguồn hàng có chất lượng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-BCĐ ngày 29/11/2017 về việc kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết.

Nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường và Công an tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển, tàng trữ và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu.

Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, như: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn tỉnh; các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy trên tuyến biển, biên giới, cửa khẩu; cảng sông, cảng hàng không; nhà ga, xe vận chuyển bưu chính; các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, kinh doanh lớn.

Địa bàn kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm cả tuyến biên giới đất liền, tuyến biển và thị trường nội địa.

Trên tuyến biên giới đất liền, sẽ tập trung kiểm tra các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở.

Tuyến biển, sẽ tập trung kiểm tra tại  Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng Lạch Hới, Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp, các cửa lạch ven biển; các phương tiện vận chuyển trên biển.

Tại thị trường nội địa, sẽ tập trung kiểm tra các địa bàn là nơi phát luồng hàng hóa, tập trung nhiều điểm kinh doanh buôn bán lớn như tại thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cảng hàng không, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh...

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389/Thanh Hóa, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Đối tượng thường vận chuyển bằng các phương tiện ô tô, xe khách và thường xuyên đi vào ban đêm, gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.

Thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh sẽ tiếp tục điều tra, trinh sát, nhân mối, nắm địa bàn hoạt động của các đối tượng, để kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, mỗi người dân và chính quyền cơ sở cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc hỗ trợ, cung cấp thông tin, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; người dân cần cảnh giác hơn khi đi mua sắm, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng cần mạnh dạn lên tiếng tố giác khi phát hiện nhãn hiệu hàng hóa bị vi phạm. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác giám định nhãn hiệu hàng hóa, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Nguyễn Kiên