Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới. Giá trị xuất khẩu tăng từ 1,8 tỷ USD năm 2000 lên 8,8 tỷ USD năm 2018, và theo chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 thì giá trị xuất khẩu sẽ đạt 14-16 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản đóng góp 60-65% và tỷ trọng này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 160 thị trường trên thế giới và đang có vị thế nhất định ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia…
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng sản xuất và xuất khẩu thủy sản thì các thị trường nhập khẩu cũng ngày càng tăng các yêu cầu về chứng nhận để kiểm soát và thúc đẩy các hoạt động từ khai thác đến nuôi trồng thủy sản bền vững.
Song, thực tiễn triển khai các chứng nhận không thể nào tránh khỏi những bất cập, cần có hướng dẫn và điều chỉnh phù hợp giữa thực tiễn và các yêu cầu của chứng nhận để đáp ứng xu hướng ngày càng nghiêm ngặt và chặt chẽ. Trong thời gian qua, Hiệp hội VASEP đã tổ chức khảo sát và tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp thành viên liên quan một số bất cập, khó khăn khi thực hiện các tiêu chuẩn của chứng nhận ASC tại một số thủ tục và chỉ tiêu. Hiệp hội cũng đang nhận được sự phối hợp tích cực của Tổ chức ASC liên quan đến các kiến nghị tổng hợp được.
Xác định đây là một hoạt động quan trọng và có ý nghĩa, ngày 19/5/2021, tại Hội thảo trực tuyến “Chứng nhận bền vững: hợp tác win-win, áp dụng hiệu quả” do VASEP tổ chức, Hiệp hội đã công bố quyết định thành lập “Hội đồng cố vấn về chứng nhận bền vững của VASEP” (VASEP Sustainable Certifications Advisory Council - VASEP CERACO) kèm danh sách hội đồng, quy chế hoạt động và kế hoạch hành động 2021.
VASEP CERACO được thành lập để giúp việc cho Ban Chấp hành Hiệp hội trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội viên áp dụng tốt & thuận lợi các chứng nhận bền vững quốc tế. Hội đồng sẽ do lãnh đạo văn phòng Hiệp hội làm Chủ tịch với các thành viên gồm đại diện Tổng cục Thủy sản, đại diện một số Sở NN&PTNT, nhà nhập khẩu và một số doanh nghiệp hội viên đang thực hiện các chứng nhận bền vững.
VASEP CERACO sẽ thực hiện 4 nhiệm vụ chính bao gồm: Góp ý các tiêu chuẩn và quy trình-thủ tục của các chứng nhận thủy sản; Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hội viên để trao đổi, đối thoại, đề nghị giải quyết với đơn vị sở hữu chứng nhận và các đơn vị liên qua; Phối hợp các bên hỗ trợ nâng cao năng lực DN hội viên thực hiện các chứng nhận; Quảng bá về doanh nghiệp, sản phẩm thủy sản chứng nhận tại Việt Nam.
Với Hội đồng VASEP CERACO, Hiệp hội tin tưởng sẽ hỗ trợ các DN hội viên áp dụng tốt và thuận lợi các chứng nhận bền vững quốc tế, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới, hướng tới đạt mục tiêu XK thủy sản đạt 14-16 tỷ USD năm 2030.
Bảo Lâm