Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 600 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2020, các thị trường quốc tế đều rơi vào tình trạng ngừng giao thương để ứng phó dịch bệnh, thậm chí có nơi còn áp dụng lệnh đóng cửa đối với các nhà hàng, quán ăn, căng tin và những nơi tụ tập đông người.
Điều này đã khiến cho sức tiêu thụ cá ngừ, đặc biệt là các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh, tại các thị trường giảm, nhu cầu tích trữ thực phẩm bảo quản lâu như cá ngừ đóng hộp tại một số thị trường tăng.
Điều này đã tác động mạnh tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam giảm 26%. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp tăng 9%. Sự tăng trưởng này chủ yếu là do sự tăng trưởng trong xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp.
Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang 106 thị trường trên thế giới, chỉ ít hơn 2 thị trường so với năm 2019. Do tác động của Covid-19, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính phần lớn đều giảm so với cùng kỳ. Mỹ, EU, ASEAN và Nhật Bản tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Trong khi, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ và Đông Nam Á có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu cá ngừ của EU và Nhật Bản lại tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU sau một thời gian tăng trưởng âm đã có sự đảo chiều nhờ tác động của Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường XK khác đang có sự tăng trưởng khả quan là Ai Cập và Trung Đông.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), hiện tại tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các thị trường vẫn chưa được kiểm soát, hơn thế nữa còn có nguy cơ bùng phát trở lại nên dự kiến, thị trường cá ngừ thế giới vẫn chưa thể phục hồi.
VASEP phân tích, tại thị trường Mỹ, sự tăng trưởng nhập khẩu trở lại các sản phẩm cá ngừ đóng hộp giá rẻ của Trung Quốc vào Mỹ đang khiến cạnh tranh thị phân khúc thị trường này gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu cung ứng các sản phẩm cá ngừ bền vững tại Mỹ có xu hướng gia tăng. Điều này dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ thông thường…
Còn tại thị trường EU, VASEP cho rằng EVFTA sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, như cá ngừ chế biến đóng hộp, cá ngừ tươi và đông lạnh, sang thị trường EU trong năm 2021.
Tuy nhiên, các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh, một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những tháng đầu năm dự kiến sẽ giảm. Do các sản phẩm này của Việt Nam sang EU đã được hưởng ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong EVFTA nên không được miễn thuế về 0% theo mức hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ) khi xuất khẩu sang EU nữa.
Trong khi đó, năm 2021 Nghị viện EU đã tăng mức hạn ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm này theo ATQ lên 35.000 tấn, điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Trung Quốc hưởng lợi. Cạnh tranh tại phân khúc thị trường này của EU dự kiến sẽ gia tăng.
Nguyễn Hà