Theo VASEP, hiện nay sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu được phép thực hiện kiểm dịch và bảo quản tại cửa khẩu hoặc kho của doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC.
Thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với việc phải thực hiện kiểm dịch và chờ thông quan ngay tại cảng, cơ quan quản lý đã cho phép doanh nghiệp được mang hàng về kho để kiểm dịch và chờ thông quan.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có vị trí không thuận lợi như vừa xa cơ quan kiểm dịch, lại vừa xa cảng nhập thì lại gặp khó khăn.
Nếu doanh nghiệp kiểm dịch và chờ kết quả để thông quan lô hàng tại cảng thì các lô hàng cần chờ ít nhất 2 ngày để kiểm dịch và chờ kết quả kiểm dịch. Sau đó, lô hàng mới được thông quan. Trường hợp này phát sinh thêm chi phí chạy điện và lưu container, lưu bãi khoảng trên 2 triệu đồng/ngày/container.
Còn nếu doanh nghiệp chọn kiểm dịch tại kho nhưng do khoảng cách giữa công ty và cơ quan thú y lại xa. Thêm nữa, số lượng cán bộ kiểm dịch lại không đủ để có thể tới các doanh nghiệp ở xa để thực hiện kiểm dịch nhanh chóng.
Như vậy, các lô hàng này buộc phải chờ để được kiểm dịch và phải lưu xe container, phát sinh thêm chi phí 2 triệu đồng/container/ngày, đồng thời gây ứ đọng kho. Thậm chí, có tình trạng chủ phương tiện vận chuyển cũng không muốn phục vụ cho doanh nghiệp.
Do đó, VASEP kiến nghị Tổng Cục hải quan xem xét cho các doanh nghiệp ở xa được kiểm dịch tại cảng. Sau đó, doanh nghiệp được mang hàng về kho chờ kết quả kiểm dịch. Nếu thực hiện linh hoạt như vậy, các lô hàng sẽ được kiểm dịch sớm ở cảng do cán bộ thú y luôn có mặt ở cảng. Mặt khác, khi hàng về đến kho doanh nghiệp có thể mang hàng vào kho bảo quản mà không phải chờ cán bộ thú y đến kiểm dịch.
Như vậy, doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được chi phí phát sinh ở cảng hoặc chi phí lưu đầu kéo tại kho doanh nghiệp.
Đồng thời, điều đó cũng giúp cảng giải phóng sớm container, tránh tình trạng kẹt cảng trầm trọng như hiện nay.
Hải Minh