THCL 40 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. HCM đã chủ động, sáng tạo, tìm mọi biện pháp khắc phục hậu quả sau chiến tranh, vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị đưa thành phố vững bước tiến lên.
Chợ Bến Thành
Đạt nhiều thành tựu to lớn
Chủ tịch UBND TP. HCM, Lê Hoàng Quân cho biết, trải qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, TP. HCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện. Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước, nhưng đến năm 2014, TP. HCM đã đóng góp 21,7% GDP cả nước, 30,3% tổng thu ngân sách nhà nước, 29,8% khu vực dịch vụ, 29,8% khu vực công nghiệp xây dựng, 21,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 20,7% giá trị kim ngạch nhập khẩu, 22,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; năm 2014, mức thu nhập bình quân của người dân thành phố đạt 5.131 USD, bằng 2,5 lần so với bình quân đầu người của cả nước.
Đường Phạm Văn Đồng
Trong phát triển kinh tế, TP. HCM giữ vai trò trung tâm của khu vực, đầu tàu kinh tế của cả nước. Quy mô nền kinh tế đã tăng lên gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Nhịp độ kinh tế tăng cao gấp 1,5 lần trung bình chung cả nước. Người dân TP. HCM ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là nhân tố chính tạo nên sự thành công của công cuộc đổi mới.
Trong 10 năm đầu (1975 - 1985), TP. HCM đã vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau giải phóng, giữ vững chính quyền, hình thành quan hệ sản xuất mới. 30 năm tiếp theo, kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đến nay, thành phố đã nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hình thành các chính sách đổi mới của Trung ương.
Đường lối đổi mới của Đảng đã khơi dậy và giải phóng sức sản xuất, các thành phần kinh tế tiếp tục được phát triển. Kinh tế TP. HCM đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. GDP giai đoạn 2001 - 2005 đạt 11%; giai đoạn 2006 -2010 đạt 11,2%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 9,6% - cao hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. TP. HCM cũng đã tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao; cơ bản hoàn thành chương trình nông thôn mới trước ngày 30/4/2015.
Đến năm 2014, TP. HCM có trên 140.000 doanh nghiệp, hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, có 5.331 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 36,65 tỷ USD.
Chăm lo đời sống nhân dân
Chính sách an sinh xã hội được TP. HCM đặc biệt chú trọng: “Chăm lo cho dân, không để bất cứ ai bị đói và thoát khỏi cảnh nghèo túng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc là quan điểm, là tâm niệm xuyên suốt của Đảng bộ và chính quyền thành phố”, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo TP. HCM chia sẻ.
TP. HCM còn là nơi có những đặc trưng nổi trội trong tư duy đổi mới, phát triển, hội nhập của giáo dục và đào tạo. TP. HCM hiện có khoảng 150 trường đại học, cao đẳng và khoảng 1 triệu sinh viên. Năm 2014, 91 trường mầm non của TP. HCM đạt chuẩn quốc gia. Cấp tiểu học có 60 trường đạt chuẩn quốc gia và con số ở bậc trung học là 26.
Về phát triển đô thị, TP. HCM đã có những thành quả đáng tự hào sau 40 năm. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng đô thị phát triển nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông; môi trường đô thị được cải thiện đáng kể; công tác quản lý đô thị từng bước đi vào nền nếp và ngày càng hiệu quả nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gần 10 triệu dân.
“Khó có thể kể hết tên hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn đã làm thay đổi cấu trúc thành phố như trục đường Bắc - Nam, Đông - Tây, đường Nguyễn Văn Linh, các đường cao tốc, tàu điện ngầm, hệ thống cảng Cát Lái, Hiệp Phước, hệ thống bệnh viện cấp quận, huyện được xây dựng, hàng loạt trung tâm thể dục - thể thao mới ra đời…
Tiên phong, năng động, sáng tạo
Chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập của thành phố mang tên Bác đã thể hiện được tính tiên phong, năng động, sáng tạo trong việc nắm vững các chủ trương của Đảng và Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của thành phố để tìm ra giải pháp thích hợp tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kiên trì vượt qua những lực cản của cơ chế cũ, làm sáng tỏ dần con đường đi lên và cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng, từ đó khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”.
PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản đánh giá: "Thực tiễn xây dựng và quá trình trưởng thành của TP. HCM cho thấy dù gặp phải biết bao khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và sự năng động, sáng tạo của mình, TP. HCM luôn vượt qua để khẳng định vai trò và xứng đáng với danh hiệu "Thành phố Anh hùng". 40 năm qua, thành phố đã thật sự trở thành điển hình của sự năng động, sáng tạo, đột phá trong xây dựng, phát triển và đổi mới".
Bên cạnh những thành tựu đạt được, TP. HCM phải đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế như năng lực cạnh tranh còn yếu, ùn tắc và tai nạn giao thông, quá tải bệnh viên, ngập úng kéo dài... Đây là những vấn đề mà chính quyền và nhân dân thành phố phải rút ra những bài học kinh nghiệm và tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy TP. HCM, Lê Thanh Hải cho biết: "Thời gian tới, trước hết thành phố tiếp tục quán triệt và nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn bám sát thực tiễn, tìm trong thực tiễn lời giải cho những vấn đề mới phát sinh đặt ra, không ngừng đổi mới tư duy, thí điểm các cách làm mới, mô hình mới. Không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân. Nhận thức đúng vai trò vị trí của thành phố là nơi hội tụ và lan tỏa, vì cả nước, của cả nước, TP. HCM đẩy mạnh hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, phát triển nhanh và bền vững".
Đặng Long