Trên khắp các đường lớn, ngõ nhỏ, đều xuất hiện những hình ảnh chia sẻ đong đầy yêu thương, tạo nên sức lan tỏa tích cực trong cộng đồng và xã hội.
Trước tình hình đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trở lại, Chính phủ, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cao nhất. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, TP. Hồ Chí Minh đã hơn 3 lần áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 10 của UBND TP. Hồ Chí Minh, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, áp dụng trên toàn thành phố.
Chưa từng có trong tiền lệ, TP. Hồ Chí Minh kích hoạt hệ thống chống dịch tầm cao. Mỗi ngày, nhiều khu dân cư, văn phòng bị phong tỏa, hàng trăm người được đưa đi cách ly, hàng nghìn người được lấy mẫu xét nghiệm, thần tốc truy vết, khoanh vùng.
Không còn cảnh kẹt xe, hay những buổi tụ tập, “tám” chuyện của người dân ở công viên, các tụ điểm vui chơi đông đúc như chợ Bến Thành, phố tây Bùi Viện… Thay vào đó là những con đường lác đác vài bóng người, khắp các nơi đều giăng dây, dựng biển phong tỏa…, bởi dịch Covid-19 càn quét.
Không ít người dân rơi vào cảnh lao đao, nhất là những người lao động chân tay, cố gắng mưu sinh hàng ngày để lo từng bữa ăn, thì biện pháp giãn cách xã hội càng khiến cuộc sống của họ đã vất vả, càng thêm vất vả hơn. Thời điểm ban đầu, không ít người dân bày tỏ sự hoang mang, lo lắng, không biết xoay xở ra sao khi bị phong tỏa. Thậm chí, họ còn lo thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các vận dụng sinh hoạt thiết yếu.
Vậy nhưng, khi “hoạn nạn”, thiên tai ập đến, là khi ấy họ luôn đồng lòng, cùng chung tay bước vào “cuộc chiến”. Lần lượt, các cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp cùng chung tay với thành phố để dập dịch bằng những hành động, nghĩa cử vô cùng thiết thực và đầy tình yêu thương. Không ít người cảm động, vì nhận được tình cảm từ những người xung quanh trong thời gian không được ra khỏi nhà.
Chính hình ảnh, ấy đã chứng tỏ cho ý chí kiên cường của Nhân dân thành phố mang tên Bác, quyết không gục ngã trước mọi khó khăn và thử thách, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, sự chia sẻ từ các địa phương khác, thì chính những người dân ở TP. Hồ Chí Minh cũng đang giúp đỡ nhau một cách thiết thực, hiệu quả và đầy tình yêu thương.
Đó là những suất cơm, thùng nước, tủ bánh mỳ miễn phí, những cây ATM gạo, siêu thị - cửa hàng 0 đồng, điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật…
Người lang thang cơ nhỡ, người “buôn gánh, bán bưng” giờ không có thu nhập, không có điều kiện nấu ăn…, đến bữa đã có những xe bánh, xe cơm tình nguyện phục vụ tận nơi, để hạn chế di chuyển, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Người khó khăn ở các khu phong tỏa, khu cách ly được tặng thực phẩm thiết yếu nhất, đủ cho các bữa cơm hàng ngày. Những người có nhu cầu đều được khu phố, xã phường và các nhóm tình nguyện đi chợ giúp.
Những câu nói “Không ai bị lãng quên”, “Không ai bị bỏ lại phía sau” hay “Không để ai bị đói trong những ngày dịch bệnh”… không chỉ còn là khẩu hiệu, mà đã và đang được từng người dân thành phố tâm niệm, góp sức thực hiện.
Điển hình như, Chung cư Ehom S Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức), khi thời gian qua đã hòa cùng người dân cả nước động viên nhau thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, cũng như góp sức, góp tiền, nhu yếu phẩm, kịp thời viện trợ cho lực lượng tuyến đầu và các khu cách ly tập trung.
Đặc biệt, khi toàn bộ 4 Block tại chung cư bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19, thì tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng cư dân tại đây được nhân lên gấp bội, khi từng tô mỳ, ly chè, bữa ăn… được cư dân cùng nhau hỗ trợ những người đang bị cách ly.
Bà Lê Thị Kim Loan, phường 15 (quận Tân Bình) có nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Hàng ngày, tổ chức nấu và phát từ 100 - 150 suất cơm cho người dân khu vực phong tỏa; cung cấp nước uống (chanh, sinh tố, nước ép trái cây…) cho lực lượng trực chốt; phát quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; “tổ chức gian hàng 5 ngàn” người dân khó khăn, khu cách ly, giải cứu nông sản cho các tỉnh gặp khó khăn…
Với gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiệp, phường 11 (quận Bình Thạnh), đã tổ chức “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ người dân khu vực phong tỏa, hẻm 26 Trần Quý Cáp, 346 Phan Văn Trị, 76 Nguyên Hồng, 442 Lê Quang Định; hỗ trợ trên 6 tấn rau củ quả và các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày (gạo, mỳ tôm, dầu ăn, đường, hạt nêm, nước mắm, nước tương, sữa đặc, sữa tươi, cá hộp, trứng gà, trứng vịt, bánh ngọt...), phục vụ hơn 1.500 người đang sống trong khu vực phong tỏa. Riêng tại khu cách ly diễn biến phức tạp (số ca bệnh tăng, lây nhiễm chéo), gia đình ông Hiệp cũng tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm trực tiếp tại từng hộ dân khi có nhu cầu.
Tuy trước đó, không hề quen biết nhau, nhưng chị Nguyễn Thị Minh Phương (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), anh Vũ Thành An (35 tuổi, nhóm SOS tình nguyện Thành An), ông Trần Văn Hoàng (55 tuổi, Đội hiệp sỹ Tân Bình) và anh Trần Ninh Bình (39 tuổi) có nhiều buổi sáng chỉ kịp ăn vội ổ bánh mỳ rồi cùng nhau gom rau củ, nhu yếu phẩm… chia nhỏ mang tới các khu vực cách ly để tặng người dân…
Những trường hợp trên chỉ là một trong hàng nghìn, hàng vạn trường hợp có nghĩa cử cao đẹp, xuất phát từ tấm lòng những người dân TP. Hồ Chí Minh đã có những việc làm đầy ấm áp tình người.
Đó không phải là số tiền hàng trăm triệu, tỷ đồng, không phải là những tổ chức từ thiện lớn, chỉ là xuất cơm, bó rau, con cá… của những người dân hết sức bình thường, đã góp phần không nhỏ trong công cuộc “gồng mình” chống dịch của cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Nguyễn Tùng