Phát triển kết cấu hạ tầng
TP. Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục (đứng thứ 3 sau Hà Nội và TP. HCM), khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Năm 2010, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đến năm 2035, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với định hướng mở rộng không gian đô thị.
Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên
Dự báo, Quy mô dân số TP. Thái Nguyên đến năm 2025 khoảng 450.000 dân; đến năm 2035 khoảng 600.000 dân. Quy mô đất đai: Diện tích đất tự nhiên khu vực nội thị là 11.412 ha, trong đó đất xây dựng đô thị tại nội thị khoảng 8.713 ha, chỉ tiêu khoảng 158,42 m2/người; diện tích tự nhiên khu vực ngoại thị là 10.901,56 ha, trong đó đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng 950 ha, đất xây dựng cơ sở kinh tế – kỹ thuật phục vụ đô thị khoảng 2.000 ha.
Chính vì vậy, TP. Thái Nguyên được quy hoạch phát triển 2 bên bờ sông Cầu, theo mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với việc hình thành các khu chức năng, như: Trung tâm lịch sử hiện hữu; Trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại – dịch vụ, tài chính – ngân hàng; công tác chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại. Huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ. Nhiều dự án giao thông - hạ tầng kỹ thuật quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; mở rộng Quốc lộ 3, QL 37; Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – TP. Thái Nguyên giai đoạn 1; Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố.
Công tác thu hút đầu tư thực hiện các dự án khu đô thị mới có bước chuyển biến tích cực mang tính đột phá. Năm 2016, trên địa bàn thành phố có 60 dự án xây dựng khu dân cư với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, trong đó 37 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư trên địa bàn thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, 23 dự án đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố. Năm 2018, thành phố đã khởi công mới 91 công trình đầu tư xây dựng cơ bản với tổng số mức đầu tư là 2.710 tỷ đồng, trong đó hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông được tăng cường đầu tư chỉnh trang, nâng cấp làm thay đổi diện mạo Thành phố sáng, xanh, sạch hơn.
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu liên hợp thể thao tỉnh Thái Nguyên
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Thái Nguyên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ là khâu đột phá để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững, từng bước văn minh, hiện đại. Trong đó, ưu tiên bố trí ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị.
TP. Thái Nguyên tập trung triển khai các dự án lớn về nâng cấp hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng, gồm: Đề án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị 2 bên bờ Sông Cầu, tổng mức đầu tư trên 13.000 tỷ đồng với các hạng mục xây dựng đê, kè, đường giao thông dọc hai bên bờ Sông Cầu, nạo vét mở rộng lòng Sông Cầu, xây dựng mới và nâng cấp 6 cầu bắc qua Sông Cầu; Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư trên 15.000 tỷ đồng; Dự án nâng cấp hạ tầng đô thị sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng; Dự án Công viên nghĩa trang An Lạc Viên INDEVCO Thái Nguyên với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng.
Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị 2 bên bờ sông Cầu
Bên cạnh đó, cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật… 24 tuyến phố chính của thành phố để đạt các tiêu chí của tuyến phố văn minh với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Phát huy tiềm năng lợi thế
Về kinh tế, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá và tương đối ổn định, quy mô không ngừng được nâng lên. Thành phố đạt chỉ tiêu thu ngân sách có bước tăng trưởng đột phá (năm 2017, đạt trên 2.700 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng từ công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn, nay chuyển dịch sang dịch vụ - thương mại; bộ mặt đô thị cơ bản chuyển biến rõ rệt; không gian đô thị được mở rộng theo quy hoạch được phê duyệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và ngày càng vững mạnh.
Để làm được điều đó, TP. Thái Nguyên đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng một cách toàn diện và đồng bộ. Thành phố đã quyết liệt đề ra nhiều giải pháp kịp thời triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố chủ động, tích cực, tạo mọi điều kiện, kịp thời cung cấp thông tin và hồ sơ liên quan cho các nhà đầu tư để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư vào TP. Thái Nguyên. Tổng số các dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên địa bàn thành phố trước và sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 là 27 dự án đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng số vốn đăng ký trên 34.000 tỷ đồng. Đến nay, các nhà đầu tư đã làm việc với UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh và UBND thành phố để nghiên cứu quy hoạch, nghiên cứu thực địa để lập phương án đề xuất đầu tư.
Ngày 30/7/2018, TP. Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố để thường xuyên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. UBND thành phố đã chủ động phối hợp, làm việc với các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, với phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án như báo cáo, đề xuất với tỉnh Thái Nguyên tạo cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong thực hiện công tác lập đề xuất dự án, quy hoạch chi tiết, bồi thường giải phóng mặt bằng...
Trong thời gian tới, để đồng hành với các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự đảm tiến độ, hiệu qua, TP. Thái Nguyên cam kết: Công khai, minh bạch và cung cấp đầy đủ các thông tin về quy hoạch đô thị, đáp ứng các nhu cầu đồ án về quy hoạch để đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp khi thực hiện dự án; cam kết phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư một cách nhanh nhất theo quy định của pháp luật; là cầu nối để các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục hành chính một cách nhanh nhất và đúng pháp luật; đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố và an toàn cho khu vực đầu tư của dự án.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí, Đảng bộ và nhân dân TP. Thái Nguyên nỗ lực phát huy những tiềm năng, lợi thế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực để khẳng định được vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, là đầu tầu trong phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, thành phố thực hiện đầy đủ các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ và của tỉnh theo quy định trong việc thu hút đầu tư nhằm phát huy hết tiềm năng, thuận lợi và thế mạnh của địa phương tạo nên sức hút và là điểm đến các nhà đầu tư.
Hoàng Thiệp