Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của Samco cho thấy lợi nhuận sau thuế có tăng (đạt 312 tỷ đồng). Tuy nhiên, qua báo cáo này, vẫn còn những con số khiến UBND TP.HCM (chủ sở hữu Samco) phải “đau đầu”(?). Cụ thể, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 9 công ty (bao gồm 7 đơn vị trực thuộc và 2 công ty đầu tư 100% vốn) của Samco chỉ đạt 176,8 tỷ đồng. Trong khi LNTT của Tổng công ty (tính cả liên doanh) là 875 tỷ đồng. Như vậy, trong nửa đầu năm 2018 lợi nhuận của các công ty 100% vốn Nhà nước rất “khiêm tốn”, chỉ chiếm gần 20% của tổng công ty.

Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Samco - Hình 1

Ông Trần Quốc Toản - Tổng giám đốc Samco

Điều đáng nói, khối chủ lực của Samco là thương mại - dịch vụ, doanh thu 6 tháng đạt 2.592 tỷ đồng, nhưng LNTT lại chỉ chiếm 1% (25,8 tỷ đồng). Điển hình là Toyota Bến Thành, doanh thu 1.067 tỷ đồng trong khi LNTT chỉ 10 tỷ đồng. Đây rõ ràng là dấu hiệu “hụt hơi” rất đáng báo động của Samco.

Nhận định về nguyên nhân doanh thu “voi”, lợi nhuận “kiến” tại Samco, chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể do ảnh hưởng từ năng lực quản lý chi phí không tốt. Bởi, các doanh nghiệp Nhà nước thường hoạt động không hiệu quả khiến các chi phí hoạt động, chi phí lao động, chi phí hàng hóa lớn… Những điều này đã khiến doanh thu dù rất to nhưng lợi nhuận lại không cao, thậm chí là lỗ!

Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Samco - Hình 2

Ông Nguyễn Hồng Anh - Chủ tịch HĐTV Samco

Năm 2014, Samco đầu tư 114 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Ô tô thương mại Samco (SCV) tại Khu Công nghiệp Cơ khí ô tô TP.HCM (huyện Củ Chi), trên diện tích 40.000m2. Samco hợp tác với Công ty TNHH Mercedes Việt Nam để sản xuất dòng xe thương mại 29 chỗ, thương hiệu Fuso Rosa. Công suất dự kiến khoảng 1.000 xe/năm.

Trong 2 năm liên tiếp (2016-2017) dòng xe Fuso Roso xuất xưởng từ SCV có mặt trên thị trường, nhưng SCV liên tục báo lỗ (năm 2016 lỗ hơn 37 tỷ đồng, năm 2017 lỗ hơn 1 tỷ đồng) và từ đầu năm 2018 đến nay Fuso Rosa đã chính thức về tay Thaco khi đơn vị này bắt tay với Tập đoàn Daimler (đơn vị sở hữu Mercedes và Mitsubishi Fuso). Theo một nguồn tin, hiện tại dòng xe khách Fuso Rosa không còn được xuất xưởng như trước mà chỉ còn sản xuất xe chuyên dùng…

Như vậy, sau khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng với rất nhiều kỳ vọng, nhưng SCV liên tục thua lỗ để rồi “biến mất” một cách khó hiểu và cho đến nay, Samco vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào về việc “biệt tích” hay những hoạt động liên quan đến doanh nghiệp này. Ngay tại các báo cáo gần nhất trình UBND TP.HCM, cũng không thấy Samco “nói gì” về SCV mà chỉ có hoạt động của Nhà máy Ô tô chuyên dùng Samco (SP.Samco). Đáng lưu ý, SP.Samco lại có thông tin hoàn toàn trùng khớp với địa chỉ, diện tích cũng như thời gian xây dựng, vận hành… của SCV. Điều này, đã khiến không ít người nêu nghi vấn về việc có sự sắp xếp để SP.Samco “đè” lên một SCV thua lỗ hàng chục tỷ đồng, nhằm che lấp trách nhiệm của những người có liên quan?

Kết luận thanh tra số 04/KLTTT-P6 (KL 04) của Thanh tra TP.HCM cho thấy, Samco mắc nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh từ các công ty con như Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông và Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé. Cụ thể, chỉ qua việc chọn mẫu ngẫu nhiên 58 ngày để kiểm tra, Thanh tra TP.HCM đã phát hiện có sự chênh lệch lớn về số lượt xe xuất bến và số lượt thu phí dịch vụ xuất bến lên đến 97-206 lượt mỗi ngày, gây thất thoát hơn 8,6 triệu đồng/ngày.

Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Samco - Hình 3

Nhà máy ô tô chuyên dùng Samco có địa chỉ trùng lắp với Nhà máy Ô tô thương mại Samco đã kinh doanh thua lỗ, "biến mất" khó hiểu trước đây?

Không chỉ thế, Thanh tra TP.HCM còn phát hiện Công ty Bến xe Miền Đông ký hợp đồng với Công ty TNHH Phương Trinh khi Phương Trinh chưa có quyết định về lộ trình vận chuyển tuyến xe buýt của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương và Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Do vậy, việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa hai bên là hoàn toàn không đủ cơ sở pháp lý. Ngoài ra, Bến xe Miền Đông còn sử dụng hơn 62.000m2 đất, mặt bằng nhà đất của bến xe để làm văn phòng làm việc, quầy vé, siêu thị, quán ăn, nhà thuốc, trụ ATM… nhưng lại không đăng ký và ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường…

Tương tự Công ty Bến xe Miền Đông, Công ty Cảng Bến Nghé, một đơn vị thành viên khác của Samco, cũng có những sai phạm khi chỉ định thầu trái phép, cho thuê cảng và xác định giá trị doanh nghiệp sai quy định… Chẳng hạn, Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cổ đông góp vốn thành lập Công ty Tân Cảng - Phú Hữu và doanh nghiệp vừa “chào đời” này được thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu. Đây thực chất là hình thức thành lập pháp nhân mới, để được Công ty Cảng Bến Nghé cho thuê cơ sở hạ tầng. Trong khi, văn bản số 5.736 của UBND TP.HCM chỉ cho phép Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, không phải hợp tác với Công ty Cổ phần Tân Cảng - Phú Hữu…

Bảo Ngọc(T/h)