Trong 05 năm (2017-2021), số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
![Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam. Ảnh minh họa, nguồn internet Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam. Ảnh minh họa, nguồn internet](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/03/12/the-trong-1647079317.jpg)
Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức sáng 11/03, các chuyên gia đều khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng thương hiệu Việt, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện chiến lược phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tin tưởng rằng, các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
“Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen gắn với phát triển thẻ tín dụng nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng, chúng ta có thể khẳng định vai trò của thẻ tín dụng nội địa. Thẻ nội địa của chúng ta tốt hơn, rẻ hơn các sản phẩm đang có trong thị trường, tính năng như các sản phẩm đang có thì không có lý do gì chúng ta không phát triển được”- ông Dũng quả quyết.
Kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đề nghị, trong thời gian tới, các tổ chức phát hành thẻ, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện chất lượng, hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa, trong đó có thẻ tín dụng nội địa. Cụ thể, đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho khách hàng về thông tin, quy trình, thủ tục phát hành các dòng sản phẩm thẻ tín dụng nội địa; tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.
Đặc biệt, phải mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, liên thông phục vụ tất cả các dịch vụ, các lĩnh vực trong ngành kinh tế. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng thẻ tín dụng tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, gắn liền với chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận, hưởng các tiện ích hiệu quả của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo sự phát triển cân bằng, hài hoà của nền kinh tế.
Lê Pháp (T/h)