Đó là nhận định của bà Elina Noor* trong bài viết "Southeast Asia is starting the work of fixing a broken world order_ tạm dịch: Đông Nam Á đang 'vá lại những vết nứt của trật tự thế giới" đăng tải trên South China Morning Post ngày 8/8.
Theo tác giả Elina Noor, những thách thức và tổn thất hiện nay khiến nhiều quốc gia Nam bán cầu mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương. Điều này cũng phản ánh một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với trật tự toàn cầu "lỗi thời và bất công" hiện nay. Các ghế thành viên thường trực và quyền phủ quyết của các nước trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) là những minh chứng cho điều này.
Tháng 9/2024, Liên Hợp quốc (LHQ) sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, đây được xem là “cơ hội duy nhất trong một thế hệ” nhằm khôi phục niềm tin vào hợp tác quốc tế, hướng tới một Hiệp ước Tương lai. Bản dự thảo hiện tại của hiệp ước chỉ ra 60 chương trình hành động cần thiết để giải quyết các thách thức liên quan đến phát triển bền vững, quản trị toàn cầu và hòa bình-an ninh.
Phần lớn dự thảo là những nguyện vọng chưa được thực hiện từ các thập kỷ trước như mong muốn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân, không đói nghèo và thiếu thốn. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang, cách diễn giải luật pháp quốc tế mang tính vị kỷ và những cam kết hời hợt đối với hòa bình thế giới chính là lý do để hoài nghi rằng hội nghị này không thể mang lại thay đổi ý nghĩa nào cho thế giới.
Bà Elina Noor nhấn mạnh, đối với các quốc gia Đông Nam Á, chủ nghĩa đa phương có thể mang đến một vị thế bình đẳng và sự hợp tác hiệu quả hơn nhằm giải quyết những thách thức phức tạp mà không một nước nào có thể tự mình đảm đương. Dù ở bất cứ tình huống và xung đột nào, người dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất luôn là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Tiêu biểu như đại dịch Covid-19 vừa qua và gần đây là hậu quả của khủng hoảng khí hậu đang “càn quét” hành tinh này.
Vì vậy, việc cải cách chủ nghĩa đa phương không chỉ là một nghĩa vụ phải thực hiện mà còn là hành động đúng đắn về đạo đức, nhằm xây dựng thế giới công bằng. Để đạt được điều đó, tất cả các nước, bao gồm Đông Nam Á, cần cất lên tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Cải tổ HĐBA LHQ, một trong những chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh, chính là bước khởi đầu. Trong nhiều năm qua, các chính phủ Đông Nam Á cùng với các quốc gia Nam bán cầu, liên tục kêu gọi cải tổ Hội đồng. Năm 2000, Malaysia cũng đã kêu gọi một “cuộc đại tu toàn diện” HĐBA để cơ quan quyền lực này trở nên đại diện, minh bạch và có trách nhiệm hơn.
Năm 2014, trong cuộc tranh luận tại Đại Hội đồng, Thái Lan đề xuất vị trí thành viên tạm thời của HĐBA nhằm khắc phục thực trạng gần 1/3 các quốc gia thành viên LHQ không có cơ hội trở thành thành viên thường trực. Năm 2015, tại lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á-Phi ở Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh sự cần thiết của cả hai châu lục trong việc tiếp tục thúc đẩy cải tổ LHQ.
Bài viết khẳng định, bất chấp tham vọng của Hội nghị thượng đỉnh, việc cải tổ toàn diện LHQ, bao gồm cả HĐBA, vẫn là cuộc chơi dài đòi hỏi sự kiên trì. Tuy nhiên, một số xu hướng quốc tế cả trong và ngoài LHQ lại mang đến cho các quốc gia Đông Nam Á con đường để “vá lại” những vết nứt của chủ nghĩa đa phương.
Sự tự tin của các quốc gia Nam bán cầu vào vai trò của mình, cùng với sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế, đang thúc đẩy tái định hình các ưu tiên và mối quan hệ toàn cầu. Bên cạnh đó, tập trung nhiều hơn vào Nam bán cầu cũng là động lực cho cải cách đa phương, hướng cái nhìn đến những vấn đề cốt lõi của phần lớn dân số thế giới.
Việc ASEAN thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ hay Malaysia và Thái Lan cân nhắc gia nhập khối BRICS đều cho thấy các quốc gia này đang tìm kiếm những lựa chọn mới mà không nhất thiết phải từ bỏ trật tự quốc tế hiện có. Ngoài ra, việc Indonesia và Thái Lan đề xuất gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng phản ánh góc nhìn linh hoạt đối với các tổ chức quốc tế nhằm điều chỉnh vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, bằng cách đóng góp vào các khung quản trị công nghệ đang phát triển, các quốc gia Đông Nam Á có thể chủ động hơn trong quản lý và vận hành công nghệ ở những thập kỷ tới. Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN hướng tới mục tiêu là “hiệp định kinh tế số khu vực lớn đầu tiên trên thế giới” sau khi đàm phán xong vào năm 2025. Khi đi vào hiệu lực, hiệp định này có thể tạo tiền đề để các đối tác ngoài khu vực tuân thủ tiêu chuẩn ASEAN khi kinh doanh ở Đông Nam Á.
Bà Elina Noor nhấn mạnh, Đông Nam Á nên tiến xa hơn. Không chỉ giới hạn ở mục đích thương mại và đầu tư, trí tuệ nhân tạo và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ như trung tâm dữ liệu và cáp ngầm còn mang tính chiến lược, đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia trong dài hạn. Chính vì vậy, ASEAN cần chủ động tham gia những cuộc đối thoại về vấn đề này, thay vì e ngại hoặc né tránh.
Cuối cùng, tương lai của một chủ nghĩa đa phương hiệu quả nằm ở việc dân chủ hóa không chỉ trong quy trình mà còn cả những người tham gia. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai lần này đã đúng khi dành hẳn một trụ cột thảo luận để trao quyền và lắng nghe giới trẻ.
Trong các hành động thúc đẩy công bằng xã hội trên toàn cầu, thế hệ trẻ liên tục thể hiện sự can đảm, niềm tin và tính tổ chức, vốn là những điều mà lớp lãnh đạo hiện nay còn thiếu. Cách tốt nhất để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn là tạo điều kiện cho giới trẻ được hành động và cất lên tiếng nói của mình.
Tựu trung, Đông Nam Á đang tích cực định hình tương lai bằng cách chủ động tham gia vào các vấn đề toàn cầu như công nghệ và an ninh quốc gia, đồng thời không từ bỏ trật tự quốc tế hiện tại. Những động thái như thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ và cân nhắc gia nhập BRICS cho thấy khu vực này đóng vai trò quan trọng trong cải cách chủ nghĩa đa phương. Hơn hết, để xây dựng một hệ thống hợp tác quốc tế công bằng và hiệu quả hơn, cần có sự chung tay từ tất cả các quốc gia, bao gồm cả Đông Nam Á, cũng như cần lắng nghe tiếng nói của thế hệ trẻ, chìa khóa cho tương lai thế giới.
Bà Elina Noor là nhà nghiên cứu cao cấp tại Chương trình Châu Á của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, với nhiệm vụ phân tích diễn biến ở Đông Nam Á, đặc biệt là tác động và hệ quả của công nghệ trong việc định hình các động lực quyền lực, quản trị và xây dựng quốc gia trong khu vực. Bà từng là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia.
Theo South China Morning Post