Trước đây, câu cửa miệng của thí sinh chuẩn bị vào thi đại học là “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”, tiếp theo là những trường TOP 1 gồm: Ngoại Thương, Ngoại giao, Xây dựng, Giao thông, Kinh tế, Tài chính, Luật… Ngành sư phạm và Nông – Lâm - Ngư nghiệp là ít thấy “sáng đèn” ở trong danh sách lựa chọn của thí sinh…

 

eeeeeeeee
Thi xong, các thí sinh được “xả stress” và bắt đầu cùng cha mẹ chọn ngành, trường để học phù hợp với năng lực của bản thân (Ảnh minh hoạ)

“Khẩu vị” thay đổi

Năm nay, có vẻ “khẩu vị” của chính thí sinh và phụ huynh đều thay đổi. Cụ thể, nhiều thí sinh chọn cho mình ngành học phù hợp với năng lực và có “đầu ra” tương đối thuận lợi, tức nhu cầu xã hội cần, không phải “xin việc” với công thức mang tính hành chính kiểu công chức, viên chức Nhà nước.

Phụ huynh Nguyễn Thu Hiền, ở Đông Anh, Hà Nội bày tỏ: “Tôi đã sai lầm khi ép cháu lớn thi bằng được vào trường Y, để không đủ điểm phải đi học Y Thái Bình, xa nhà, trong khi cháu rất thích Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên về thú y và chăn nuôi. Nay, tôi cho con gái tự lựa chọn ngành học. Cháu học tốt Toán, Văn, Anh, thích học sư phạm, tôi đồng ý ngay. Cháu nói rằng, được miễn học phí, đó cũng là môi trường rất tốt để rèn luyện”.

Theo phụ huynh Thu Hiền thì, chị đồng ý cho con học sư phạm vì cháu không xin được việc là công chức, vẫn dạy kèm ngoại ngữ được, vẫn có việc để làm. Có thể làm viên chức hoặc làm tự do đều có việc, chứ không ép con thi Ngoại Thương, Ngoại giao như những phụ huynh khác…. “Hướng cho con chọn ngành, trường không theo “mốt, hót” mà theo thực tế xã hội cần. Đây là sự thay đổi mang tính “cách mạng” của các phụ huynh có con bước vào đời, trước ngưỡng cửa chọn trường, hướng nghề…”, chị Hiền còn khẳng định.

yyyyyyyyy
Phụ huynh Nguyễn Thu Hiền, ở Đông Anh, Hà Nội chia sẻ (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Thí sinh Trần Văn Hoàng, ở Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng bộc bạch: “Cháu tự nhận là học thuộc TOP 2 thôi, giữa của TOP 2 chứ không được đầu nên cháu sẽ chọn học ngành Luật nhưng không thể đỗ vào Đại học Luật, Đại học Quốc gia và Đại học Luật Hà Nội được. Cháu học Luật ở một trường nào đó như: Đại học Mở, Đại học Lao động xã hội, Đại học Thủ đô Hà Nội, Học viện Phụ nữ, Học viện Ngân hàng, Học viện Hành chính… Những trường có đào tạo ngành Luật, còn lý do cháu chọn học Luật vì cháu có thể linh động chọn việc. Cháu có thể học thêm một khóa về luật sư, công chứng để làm luật sư, công chứng viên, thừa phát lại… mà không phải mất thời gian chờ đợi thi viên chức, công chức. Hơn nữa, vừa học cháu đã có thể đi làm để có tiền trang trải cuộc sống, vừa làm vừa học giúp cháu tích lũy được kinh nghiệm….”.

Ngành học điện máy, công nghệ, kỹ thuật, công nghệ thực phẩm, điều dưỡng, dược… đang nhận được sự lựa chọn rất lớn của các thí sinh và sự ủng hộ tuyệt đối của phụ huynh. Vì sao lại có sự thay đổi “khẩu vị” như vậy?

Về ngành công nghệ thông tin, trước đây vẫn chỉ là Bách khoa và Học viện Bưu chính viễn thông là nhất bảng, điểm cao chót vót. Gần chục năm trở lại đây thì FPT là sự lựa chọn rất hót của nhiều thí sinh, ngoài ra, nhiều trường cũng đạo tạo mảng nghề này như: Đại học Thương mại, Học viện Nông nghiệp…

Nhận diện sự thay đổi

Sự vận động của đời sống xã hội khiến phụ huynh và thí sinh thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Nếu chọn ngành học không đúng, ra trường không tìm được việc làm thì chuyện cử nhân đại học đi làm xe ôm, đi bán hàng cho các nhà hàng, đi… là hết sức bình thường. Vì nhìn thấy như thế nên phụ huynh và thí sinh đã “thức thời” hơn. Họ nhìn thấy nghề gì và công việc gì là xã hội cần và lâu dài thì chọn học để ra trường có việc làm.

Thầy giáo Nguyễn Văn Toàn, nguyên giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi: “Quá trình giảng dạy tại trường đại học, môn học của tôi, số lượng sinh viên giảm dần theo sự vận động, phát triển của đất nước. Phụ huynh và thí sinh hiện nay chọn ngành học có nghề, ra trường có thể đi làm, kiếm sống được ngay chứ không chọn ngành học khoa học cơ bản nữa. Trước đây, các cháu và con tôi, đều được hướng học ngành khoa học cơ bản. Bây giờ, con của các con tôi, cháu chọn học công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật điện lạnh, nông nghiệp, thương mại điện tử, logistic, AI – trí tuệ nhân tạo, khai khoáng, tài nguyên…. thậm chí sư phạm. Nghe các cháu phân tích, học những ngành đó thiết thực cho cuộc sống, hiện tại thiếu và cần rất nhiều để phát triển đất nước mà vẫn có việc làm với thu nhập tốt, tôi rất vui. Các cháu nói rằng, cái hay nhất của những nghề đó là các cháu không phải thi cử, thi công chức mà thi tuyển vào làm việc đúng nghĩa và được trả lương xứng đáng với trình độ, năng lực của bản thân. Bố mẹ của các cháu cũng đồng tình với nhận định và ý nguyện của con”.

Thí sinh Trần Thảo Nguyên, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Nhà cháu gần biển, cháu muốn học về chế biến hải sản nên cháu sẽ đăng ký vào trường Thủy sản, vào đó cháu sẽ học ngành công nghệ thực phẩm”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thương hiệu & Công luận thì công nghệ thực phẩm là ngành chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất - bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm… đang rất cần trong đời sống và phát triển sản phẩm mới.

Thí sinh Nguyễn Huy Hoàng, ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thì rất thích và chọn những trường có ngành học thương mại điện tử và logistic để dự thi. Hoàng lý giải “sự thích thú” của em như sau: “Hội nhập quốc tế, không thể thiếu thương mại điện tử và logistic. Hơn nữa, quê em vừa có biển, có đường biên, có mỏ, có rừng nên em chọn để thương mại điện tử để “chào hàng, bán hàng”… Suy nghĩ rất thực tế nhưng cần thiết để tránh ra trường bị “thất nghiệp” hoặc làm trái nghề. Hoàng còn bộc bạch: “Mất bao công của cha mẹ, bản thân học hành, ra trường đi chạy xe grap thì cháu không muốn chút nào. Chạy xe grap thì cũng là kiếm sống nhưng không cần phải tốn bao công đèn sách…”

Để có sự thay đổi như trên, tất nhiên, điều đầu tiên là bắt nguồn từ cuộc sống, sự phát triển của xã hội, đất nước. Nhưng cơ bản hơn là sự thay đổi trong tư duy của phụ huynh và giới trẻ. Sự thay đổi này làm phong phú thêm ngành nghề của nền kinh tế, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế…

Minh An