THCL Là địa phương ven biển, với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế du lịch, đánh bắt - nuôi trồng thủy hải sản…, thị trấn Quất Lâm đang từng ngày “thay da đổi thịt”, xứng đáng là “đầu tàu” của huyện Giao Thủy (Nam Định).
Không ngừng đổi mới
Về Quất Lâm hôm nay mới thấy hết sự đổi mới phát triển của một vùng quê vốn thuần nông xưa. Để có được thành công đó, Đảng bộ, UBND thị trấn đã chỉ đạo - từng bước rà soát các tiêu chí, tập trung mọi nguồn lực, hoàn thiện các công trình hạ tầng theo chuẩn tiêu chí nông thôn mới (NTM). Từ đó, địa phương tập trung phát triển KT-XH.
Quất Lâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy tiềm năng thế mạnh của khu vực ven biển, tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các ngành nghề khác, tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân đầu tư, mua sắm mới phương tiện ngư lưới cụ, từng bước nâng cao năng lực kỹ thuật để làm chủ ngư trường.
Những năm gần đây, tại Quất Lâm đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả theo hướng gia trại và trang trại; công tác quản lý HTX đã được chuyển đổi theo mô hình HTX dịch vụ theo quy định của pháp luật; quản lý và sử dụng đất đai có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM vào cuối năm 2016 (hiện nay đã đạt chuẩn 17/19 tiêu chí).
Các công trình xây dựng lớn đã được hoàn thành, như: Trường MN 2 tầng (8 phòng học); trường tiểu học 3 tầng (12 phòng học); công trình sân khấu trung tâm thị trấn; làm đường xóm Lâm Quý, Lâm Dũng, nhà quản trang; đường N6 (dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường nội thị); triển khai hoàn thiện 3.327,2 m2 đường bê tông và 4.072,5 m2 rãnh thoát nước tại các tổ dân phố; công trình xử lý, đốt rác thải…, tổng số vốn đầu tư 23,364 tỷ đồng.
Đánh bắt thủy hải sản được quan tâm, chú trọng, các hộ xã viên tích cực mua sắm ngư cụ, tàu thuyền, cải tiến kỹ thuật đánh bắt. Số lượng tàu thuyền tăng nhanh, sản lượng đánh bắt đạt hiệu quả cao. Toàn thị trấn hiện có 162 tàu thuyền, trong đó có nhiều tàu có công suất lớn, tổng sản lượng ước đạt 8.874 tấn (năm 2015); nuôi trồng thủy hải sản hoạt động hiệu quả: diện tích chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang mô hình nuôi cá nước lợ và trồng mầu cho hiệu quả cao. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao; tình hình chính trị, AN-QP được bảo đảm.
Hấp dẫn du lịch biển
Khu du lịch nghỉ mát Quất Lâm có quy hoạch rộng 151,4 ha. Theo đó, kết cấu hạ tầng khang trang, đường 51B vào khu du lịch được mở rộng, nâng cấp hiện đại: Hơn 2 km kè biển kiên cố; 3 trục đường ngang trong khu du lịch được rải nhựa với chiều dài hơn 4 km; gần 120 ki ốt phục vụ dịch vụ tắm biển; gần 50 nhà nghỉ, khách sạn khang trang, tiện nghi, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Năm 2015, doanh thu từ du lịch ước đạt 25 tỷ đồng, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân.
Chất lượng dịch vụ (tắm biển, xông hơi, nghỉ ngơi, ăn uống, thể thao, vui chơi giải trí…) không ngừng được nâng cao. Nhiều khách sạn có hội trường lớn phục vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo với sức chứa hàng trăm người.
Ông Nguyễn Cảnh Thạc, Chủ tịch UBND thị trấn Quất Lâm cho biết: “Đảng bộ, chính quyền thị trấn xác định tập trung mũi nhọn phát triển kinh tế du lịch biển, đầu tư nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Do cửa sông Sò bị bồi đắp hàng năm, ảnh hưởng đến việc đi lại của các tầu thuyền. Vì vậy, địa phương kiến nghị cấp trên quan tâm, có phương án nạo vét để tàu thuyền của các ngư dân ra vào thuận tiện, yên tâm bám biển”.
Quất Lâm đang trở thành một trong 2 trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện Giao Thủy - điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước, là cơ hội cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng du lịch.
Nguyễn Kiên