
Năm 2024 - chứng kiến sự biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là quý cuối năm. Đánh giá của ôngvề thị trường chứng khoán 2024; đâu là những điểm đáng chú ý?
Thị trường chứng khoán năm 2024, có một số điểm đáng chú ý như sau.
Thứ nhất, thị trường duy trì trạng thái đi ngang biên lớn, xuyên suốt trong năm khi dao động trong khung 1.180 – 1.300 điểm. Biên dao động quanh mức 11%. Những nhịp tăng - giảm của thị trường, gắn liền với biến động của tỷ giá và các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2024, việc điều hành chính sách tiền tệ, đã không còn nới lỏng nhiều như các năm trước khi Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các biện pháp kiểm soát tỷ giá như phát hành tin phiếu, nâng lãi suất OMO và bán ngoại tệ...
Đỉnh điểm là hồi tháng Ba, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 145.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Điều này, khiến tâm lý thị trường thận trọng hơn, nó dẫn đến dòng tiền tham gia thị trường cũng trở nên “dè dặt” hơn. Trong đó, có thể kể đến thời điểm tháng Ba, tháng Bảy và tháng 10, thị trường đã ghi nhận những nhịp điều chỉnh khi tỷ giá tăng mạnh. Đỉnh điểm là trong tháng Bẩy, khi tăng tới 46% so đầu năm.
Tuy nhiên, thanh khoản có xu hướng suy yếu và dòng tiền luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành, khiến các nhịp điều chỉnh có biên độ giảm dần và thị trường không phá vỡ khung dao động.

Thứ hai, 2024 tiếp tục là năm bán ròng kỷ lục của khối ngoại với giá trị trên 85.000 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc này, trong đó nổi bật là vấn đề tỷ giá USD/VND căng thẳng, chỉ số DXY tăng liên tục kể từ đầu năm. Một nguyên nhân đáng kể khác, bên cạnh yếu tố tỷ giá đó là việc chênh lệnh hiệu suất đầu tư giữa các thị trường chứng khoán và việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ trong bối cảnh vĩ mô thế giới, biến động mạnh, rủi ro địa chỉnh trị tăng cao.
Thứ ba, 2024 cũng là năm của những kênh đầu tư thay thế khác như vàng và tiền số với mức sinh lời cao hơn: Vàng (+29%) và Bitcoin (+147%). So với đầu năm, cũng thu hút và chia sẻ dòng tiền với kênh đầu tư chứng khoán, góp phần tạo ra sự suy yếu và phập phù của thanh khoản thị trường.

Bước sang năm 2025, triển vọng thị trường chứng khoán ra sao - được nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm. Theo ông, đâu là những cơ hội và thách thức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam; cơ sở của những dự đoán này là do đâu?
Năm 2025, dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với không ít thách thức.
Trước hết, những biến động chính trị toàn cầu, sẽ là yếu tố khó lường. Những cuộc xung đột địa chính trị, nếu tiếp tục kéo dài, có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; từ đó, làm tăng giá hàng hóa và năng lượng, tạo áp lực lên lạm phát, khi ấy, sẽ làm thu hẹp dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá vẫn có thể gặp sức ép trong nửa đầu năm 2025. Mặc dù chỉ số DXY đang điều chỉnh, sau khi tạo đỉnh quanh vùng 107, nhưng vẫn duy trì xu hướng tăng kể từ đầu năm; cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) làm chậm lộ trình cắt giảm lãi suất, có thể gây sức ép cho hoạt động kiểm soát tỷ giá, cũng như điều tiết thanh khoản cho thị trường.
Vì vậy, nếu tỷ giá tiếp tục căng thẳng, thì việc tăng lãi suất điều hành, cũng là một biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thực hiện trong năm 2025.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều câu chuyện để kỳ vọng trong năm 2025.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2025, được dự báo ở mức 6,5 - 7%. Cùng với việc Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi thuế, tháo gỡ khó khăn cho một số ngành như chứng khoán, bất động sản, phân bón…, việc đẩy mạnh đầu tư công - sẽ là nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp; từ đó, đem đến những kỳ vọng tích cực về thị trường chứng khoán.
Vấn đề nâng hạng thị trường, cũng như thay đổi hệ thống giao dịch, nếu được thực hiện trong năm 2025, sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thu hút dòng vốn ngoại.
Thanh khoản thị trường có thể được cải thiện trong nửa sau năm 2025, khi tác động của những chính sách mới trở nên rõ ràng hơn, cũng như những yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô, được phản ánh vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty CP Chứng khoán Nhất Việtduy trì quan điểm tích cực về thị trường chứng khoán năm 2025. Mốc 1.300 điểm - được xem là khả thi khi chỉ số PE fw dự báo sẽ tăng từ 11.xx lần, lên mức 13,5 lần (tương đương mức trung bình lịch sử). Lợi nhuận đầu tư từ VN-Index, dự báo có thể đạt từ 10 - 18%.

Thanh khoản, dự kiến tăng trưởng từ 15 - 20%, đạt mức 18.000 – 20.000 tỷ đồng, nhờ vào kỳ vọng nâng hạng thị trường, giao dịch T+0 và dòng tiền khối ngoại quay trở lại.
Việc nâng hạng thị trường năm 2025, tiếp tục được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng; ông nhận định sẽ có những điểm đáng chú ý nào trong thời gian tới; thị trường chứng khoán đang và sẽ được hưởng lợi ra sao từ sự kiện này?
Sau khi lỡ hẹn trong năm 2024, Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, bởi MSCI hoặc FTSE Russell nhờ việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định mới.
Trong đó, Luật Chứng khoán sửa đổi - bắt đầu có hiệu lực năm 2025, sẽ tháo gỡ những nút thắt quan trọng về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép giao dịch mà không cần ký quỹ 100% và đưa thị trường chứng khoán hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Tại Luật, cũng thông qua việc cho phép Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thành lập công ty con, để thực hiện cơ chế đối tác thanh toán trung tâm CCP, cũng như cho phép các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trở thành thành viên bù trừ.
FTSE đang đánh giá quy trình xử lý các giao dịch non-Prefunding thất bại, cũng như sẽ hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xây dựng cơ chế CCP khi các quy định mới đi vào thực tiễn năm 2025.
VFS cho rằng, kịch bản thị trường được nâng hạng sẽ khả quan hơn năm 2025. Tuy nhiên, do cần có thời gian để hoàn thiện các quy trình về non-Prefunding và CCP, vì thế, kỳ vọng thị trường có thể được nâng hạng trong tháng 9/2025.
Trong ngắn hạn, thị tường đã có phiên bùng nổ tích cực ngày 5/12/2024 và xác nhận mở rộng xu hướng tang, sau những đánh giá tích cực của đại diện FTSE. Trong đó, tâm điểm là nhóm chứng khoán với nhiều cổ phiếu tăng trần.
Nếu Việt Nam được nâng hạng vào năm 2025, sẽ là bước tiến quan trọng để thu hút dòng vốn ngoại. Theo dự báo của FTSE, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn từ 5 - 6 tỷ USD từ các quỹ chủ động và thụ động, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Đâu là nhóm ngành có tiềm năng, để các nhà đầu tư có thể quan tâm?
Ngành chứng khoán: Hưởng lợi trực tiếp nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng năm 2025, nhờ việc thu hút được dòng tiền mới của khối ngoại.
Để đón đầu và tận dụng cơ hội từ việc nâng hạng, ngành chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục bước vào một chu kỳ tăng mới mở rộng quy mô hoạt động, tăng vốn để đáp ứng được quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường khi được nâng hạng.
Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã có kế hoạch, hoặc đã thực hiện tăng vốn từ đầu năm như VCI, SSI, VND, ACBS, ORS, VIX…
Ngành bất động sản: Thị trường bất động sản đã giao dịch sôi nổi hơn trong quý III, sau một thời gian dài trầm lắng. Tính đến hết quý III/2024, tín dụng bất động sản tăng 16% so đầu năm, tăng nhanh hơn so tăng trưởng tín dụng chung. Trong đó, phân khúc nhà ở tự sử dụng cũng tăng 4,62%, cho thấy sự hồi phục trong nhu cầu mua nhà.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang trong xu hướng đi ngang, sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Thêm vào đó, việc tiếp tục đẩy mạnh các dự án hạ tầng, cũng như các bộ luật mới bắt đầu đi vào thực tiễn - sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án bất động sản mới; từ đó, giúp cải thiện nguồn cung cho thị trường.
Trong ngành bất động sản, những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất sạch, đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng, sẽ có lợi thế rất lớn về giá vốn và biên lợi nhuận trong những năm tới.
Ngành thép: Nhu cầu thép trong nước, dự kiến sẽ tăng mạnh năm 2025, khi các quy định mới về bất động sản thẩm thấu vào nền kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Điều này, sẽ tác động tích cực đến giá thép trong nước. Năm 2025, giá thép xây dựng và HRC, dự báo tăng lần lượt 7% và 6%. Đây chính là điểm sáng của ngành thép trong năm tới.
Ngoài ra, ngành thép còn được hưởng lợi nhờ giá thép thành phẩm hồi phục sớm và nhanh hơn so giá nguyên liệu đầu vào là quặng sắt; từ đó, giúp các doanh nghiệp cải thiện được biên lợi nhuận.
Ngành bất động sản - khu công nghiệp: Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, cũng như dòng vốn FDI vào Việt Nam, vẫn duy trì xu hướng tang, sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu thuê, nhất là tại thị trường phía nam, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và cơ sở hạ tầng đồng bộ.
VFS kỳ vọng, giá thuê đất có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 10% trong giai đoạn 2025 - 2028; từ đó, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển bất động sản – khu công nghiệp.
Trong ngành, những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn, sẽ tận dụng được lợi thế để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp chuyển đổi đất trồng cao su sang đất công nghiệp, cũng sẽ được hưởng lợi khi giá đền bù bắt đầu tăng cao hơn khi các quy định mới về bất động sản có hiệu lực.
Ngành logistics: Điểm nhấn trong năm 2025 là giá vận tải biển sẽ duy trì ở mức cao, trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị toàn cầu vẫn diễn biến khó lường, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tăng mạnh trong ngắn hạn, trước khi những chính sách thuế quan mới được áp dụng khi ông Trump lên nắm quyền.
Trong đó, các doanh nghiệp đã tăng công suất đội tàu, cũng như mở rộng các tuyến hoạt động, sẽ có thể duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

Ngành ngân hàng: Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng ngành ngân hàng vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu vẫn nhiều biến động, cũng như môi trường cạnh gia tăng, các ngân hàng sẽ cần phải thận trọng và linh hoạt trong quản trị rủi ro, cũng như chiến lược kinh doanh.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2025, được dự báo sẽ đạt mức 15 - 17%, nhờ sự hồi phục của ngành bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công - sẽ là động lực tăng trưởng cho nhóm ngân hàng. Điều đó, sẽ là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Ông có thể đưa ra những lời khuyên cho các nhà đầu tư, năm 2025?
Nhìn chung, thị trường chứng khoán vẫn duy trì diễn biến đi ngang biên rộng xuyên suốt năm 2024 (thường xuyên có những nhịp rung lắc điều chỉnh giảm), dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong đầu năm 2025, cho đến khi bứt thoát hẳn khỏi vùng 1.300 điểm.
Vì vậy, các nhà đầu tư cần tránh mua đuổi mà ưu tiên giải ngân từng phần khi thị trường/hoặc cổ phiếu điều chỉnh về những vùng hỗ trợ mạnh cho mục tiêu nắm giữ trung - dài hạn. Trong đó, các nhà đầu tư tập trung vào các mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản, định giá hấp dẫn, được hưởng lợi từ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước, hoặc thế giới, có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, hoặc đang trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục lợi nhuận.
Năm 2025, VFS kỳ vọng, nhóm chứng khoán, thép, bất động sản sẽ bước vào chu kỳ mới. Trong khi nhóm bất động sản – khu công nghiệp và logistics tiếp tục là nhóm ngành hưởng lợi từ những biến động chung của vĩ mô và tiếp tục tăng trưởng.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng dù có thể đối mặt với một số khó khan, nhưng vẫn sẽ là động lực quan trọng của thị trường…
Thu Trang(thực hiện)