(THCL) _ Với số dân hơn 90 triệu người, có tới 66% trong độ tuổi lao động (16 - 60 tuổi) cho thấy, Việt Nam là một thị trường, nhu cầu tiêu dùng cao. Bên cạnh đó, thị trường nông thôn chiếm 65% - 70% số dân nhưng chưa được khai thác đúng mức, sẽ là miếng “bánh ngon” để các DN bán lẻ đầu tư.
Doanh nghiệp ngoại đổ bộ…
Kể từ khi gia nhập WTO (năm 2006), ngành bán lẻ trong nước được đánh giá có nhiều tiềm năng tận dụng thời cơ để vươn xa, phát triển bền vững. Theo cam kết gia nhập WTO, bắt đầu từ tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn. Với xu thế này, nhiều chuyên gia nhìn nhận, đến năm 2020, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể cạnh tranh với các DN bán lẻ nước ngoài.
Bộ Công thương cho biết, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại; tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội (tương đương khoảng 25 - 30 tỷ USD). Nhận thấy thị trường bán lẻ Việt Nam là miếng bánh béo bở, nhiều đại gia các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã ồ ạt đổ bộ vào hòng chiếm lĩnh thị trường. Mới đây nhất, Tập đoàn Metro (Đức) chính thức ký thỏa thuận với BJC (Thái Lan) chuyển nhượng kinh doanh bán buôn 19 trung tâm Metro tại Việt Nam. Tham vọng của Metro Thái Lan tại Việt Nam là tìm cách đưa hàng Thái thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ nước ta.
Tiếp đến, phải kể tới Tập đoàn Casino (Pháp), với hệ thống 26 siêu thị mang tên BigC với quy mô hơn 20.000 m2. Casino nhận định kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc, một thị trường rất tiềm năng về dân số trẻ và hệ thống bán lẻ hiện đại chưa phát triển. Sau khi đặt chân vào Việt Nam, Casino đã phát triển thương hiệu BigC, mang lại hiệu quả, đồng thời phát triển thương hiệu WOW tạo sự tin tưởng với khách hàng Việt Nam.
Aeon (Nhật Bản), trong lĩnh vực bán lẻ, Aeon không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính, thương hiệu, mà còn có mối quan hệ với các đối tác lớn. Dự kiến đến năm 2020, tập đoàn này sẽ có khoảng 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam.
Một con “cá mập” của Hàn Quốc là Lotte vào Việt Nam từ 2007. Tính riêng năm 2014, Lotte khai trương 6 trung tâm thương mại mới tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… với vốn đầu tư từ 30 - 40 triệu USD mỗi cơ sở. Mục tiêu của Lotte tại thị trường Việt Nam là đến năm 2020 mở 60 trung tâm thương mại.
Mới đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Mỹ) cũng lên tiếng, sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn tại nước ta. Tập đoàn này không chỉ nhận thấy cơ hội làm ăn ở Việt Nam, mà còn muốn tận dụng lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Doanh nghiệp nội lo lắng
Trước làn sóng “đổ bộ” ồ ạt của các DN nước ngoài vào Việt Nam, các DN nội đã tìm cách để giữ niềm tin đối với người tiêu dùng bởi hàng Việt và uy tín DN vì sự phát triển bền vững của thị trường nội địa.
Đại diện nhiều DN trong nước lên tiếng, áp lực của hàng ngoại, nhất là hàng Thái Lan, Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các DN Việt Nam. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, việc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài lên kế hoạch mở rộng mạng lưới tại Việt Nam - là một áp lực lớn với hàng Việt, bởi đây là một kế hoạch có sự chuẩn bị chu đáo từ rất lâu và được tung ra rất đúng thời điểm.
Các chuyên gia đánh giá, so với hàng ngoại đang đổ bộ vào Việt Nam, hàng Việt đang nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các nhà phân phối bán lẻ. Mặt khác, hàng Việt hiện nay nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, thông qua chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, thì áp lực cạnh tranh đối với các DN trong nước là không nhỏ. Do đó, DN không thể chỉ mải lo đối phó với áp lực cạnh tranh đến từ hàng hóa của một quốc gia nào đó ngay trên sân nhà, mà quan trọng là phải tự làm cho mình mạnh lên...
Chiến lược nào cho doanh nghiệp?
Mặc dù chúng ta đang có lợi thế sân nhà rất lớn, nhưng nếu các DN không sớm liên kết lại với nhau thì theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, khả năng suy yếu của hệ thống phân phối hàng hóa trong nước là điều khó tránh khỏi.
Theo bà Hạnh, các DN cần chú trọng xây dựng thương hiệu, cũng như hợp tác với các nhà sản xuất (kể cả nông dân để sản xuất và cung cấp hàng hóa), qua đó giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN bán lẻ trong nước phải xây dựng chiến lược nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tâm lý khách hàng một cách bài bản và khoa học; cần mở rộng hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn, vì đây là thị trường nhiều tiềm năng nhưng đang bị bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Coop góp mặt: “Vấn đề ở đây là làm thế nào để nhà sản xuất gắn kết chặt chẽ với nhà phân phối và làm cho hàng hóa của mình mạnh lên về mặt chất lượng, năng lực cạnh tranh, mẫu mã, thị trường… Có như vậy mới hy vọng, hàng Việt có mặt và phủ kín thị trường, không chỉ ở các thành thị, mà cả thị trường nông thôn”.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ: “Hiện niềm tin của người tiêu dùng vào hàng hóa Việt Nam rất thấp, do hàng ngày đều có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn làm cho người tiêu dùng tin tưởng, thì chính DN phải giữ chữ tín. DN nào không giữ được chữ tín thì DN đó sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, từ đó hàng hóa không thể bán ra, như vậy đã là dấu chấm hết trong cuộc chơi này. DN muốn giữ được chữ tín thì cần có chiến lược và hành động thiết thực, chứ không chỉ hô hào suông. Về công tác quảng cáo, khuyến mại phải trung thực, sản phẩm phải bảo đảm sức khỏe và sự an toàn tuyệt đối. Công tác giải quyết thắc mắc, khiếu nại cho người tiêu dùng sau khi mua hàng phải được chú trọng”.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc thường trực, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nói: Muốn hàng Việt cạnh tranh và có chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trước hết phải khẳng định chất lượng, có hệ thống phân phối ổn định, có chính sách phù hợp để cân bằng thị trường và tạo cơ hội cho hàng Việt cạnh tranh. Quan trọng hơn là cần sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chia sẻ và ủng hộ của người tiêu dùng...
Hoan Nguyễn