Bánh Trung thu “vào mùa”
Còn nửa tháng nữa mới tới Rằm tháng 8, tuy nhiên, các thương hiệu, cửa hàng bán bánh Trung thu truyền thống, có tiếng đã rục rịch kinh doanh từ rất sớm. Đây cũng là thời điểm thị trường bánh Trung thu bắt đầu sôi động.
Ghi nhận trên thị trường, từ cuối tháng 7 (dương lịch), trên các con phố lớn của Hà Nội như Xuân Thủy, Trần Thái Tông, Trần Đăng Ninh, Văn Cao, Bà Triệu, Thụy Khuê…nhiều gian hàng bán bánh Trung thu của Kinh đô, Maison Mooncake, Hữu Nghị, Madame Hương, Bánh Mứt kẹo Hà Nội,… đã bắt đầu mở bán.
Tương tự tại TP.HCM, nhiều thương hiệu bánh lớn cũng bắt đầu rục rịch có đơn từ rất sớm. Trên các tuyến phố lớn, người mua dần nhộn nhịp; không khí đón Trung thu thêm cận kề.
Một nhân viên bán bánh Trung thu trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) cho biết, việc mở quầy bánh đã bắt đầu từ nửa tháng trước. Lúc đó, sức mua của người dân còn hạn chế nên ngày nhiều nhất cũng chỉ bán được 3-4 triệu đồng. Tuy nhiên, càng gần rằm Tháng 8, nhu cầu mua bánh càng cao, đơn mua cũng ngày càng nhiều. Thậm chí, có ngày bán được từ 7-8 triệu đồng tiền bánh.
Mẫu mã, hương vị bánh Trung thu năm nay cũng phong phú, đa dạng; đáp ứng nhu cầu khách hàng. Bên cạnh những vị truyền thống, phổ biến như nhân đậu xanh trứng muối, đậu đỏ, hạt sen, thập cẩm,… nhiều thương hiệu bánh Trung thu còn mở bán các vị mới, độc đáo như phomai, jambong lạp xưởng, gà quay,… nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm, quà biếu. Trọng lượng bánh cũng giao động từ 50g tới 150-180g/cái.
Chị Hoàng Thủy (Đống Đa, Hà Nội), hiện đã chuẩn bị tìm mua bánh Trung thu. Chị cho biết: “Còn tầm 10-15 ngày nữa là tới Trung thu, đây là thời điểm thích hợp để tìm mua bánh làm quà, thắp hương. Nếu để cận kề ngày lễ mới tìm mua; không chỉ giá thành tăng cao mà chủng loại, hương vị, mẫu mã sản phẩm cũng bị hạn chế đi rất nhiều. Bởi vậy, giai đoạn này, tôi khá cân nhắc, phân vân lựa chọn trước nhiều thương hiệu, mẫu mã bánh”. Chị Thủy ưu tiên chọn những loại bánh có mẫu mã, bao bì đóng gói đẹp; giá giao động từ 600.000 – 1 triệu/hộp từ 4-6 cái.
Cũng theo khảo sát trên thị trường, giá một bánh Trung thu năm nay tăng tầm 3.000 – 7.000 đồng, giao động ở mức 55.000-75.000 đồng/cái. Tức trung bình, một hộp bánh 4 – 6 cái tăng từ 10.000 – 30.000 đồng.
Nguyên nhân tăng giá, theo các nhà sản xuất bánh, chủ yếu do nguyên liệu đầu vào tăng từ 10-20% so với năm ngoái. Giá trứng vịt muối năm nay tăng khoảng 20%; giá các loại nguyên liệu như đậu xanh, bột mì, thịt gà, thịt heo, lạp xưởng,… cũng tăng đáng kể. Bên cạnh đó, giá bao bì, đóng gói,… cũng tăng một phần. Việc này trực tiếp việc đẩy giá bánh lên.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số người mua, việc giá bánh tăng nhẹ không ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm của họ. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, sau một năm Covid-19 và bị hạn chế đa số hoạt động vui chơi, lễ tết; Rằm Trung thu cũng là thời điểm quan trọng giúp họ được tề tựu, sum vầy bên gia đình, người thân.
Bạn Lê Xuyến (Kim Bảng, Hà Nam) nói: “Năm trước, vì dịch bệnh nên mình phải ở lại Hà Nội, không thể về thăm gia đình được. Bởi thế, năm nay, mình mua bánh Trung thu và chuẩn bị về quê từ sớm. Giá bánh có cao hơn một chút nhưng không sao, quan trọng là ông bà, bố mẹ vui khi nhận quà”.
Mặt hàng bánh Trung thu handmade “nở rộ”
Cận Tết trung thu, Thu An (Cầu Giấy, Hà Nội) “hứng khởi” rủ bạn cùng phòng cùng đặt mua bánh Trung thu lại một cửa hàng bánh nhỏ trên đường Trần Quốc Hoàn. Một số loại bánh Trung thu có vị khá “lạ” được hai bạn nữ cân nhắc: chanh leo, việt quất, socola chảy hay nhân chân trâu đường đen, xôi xéo…
Bánh Trung thu handmade bắt đầu trở thành trào lưu từ năm 2020, khi nhiều bạn trẻ dần muốn tìm tới những hương vị mới mẻ, độc đáo thay vì những vị quen thuộc, truyền thống như trước kia. Bánh Trung thu handmade thu hút bởi kiểu dáng bắt mắt, hương vị thơm ngon, lạ miệng.
Chị Thanh Hằng (Hạ Long, Quảng Ninh), cũng nói: “Là một người chủ gia đình, tôi cũng thích mua bánh Trung thu tự làm. Loại bánh này mua về cho gia đình ăn hay làm quà tặng đều vừa đẹp vừa độc. Cạnh đó, bởi hương vị lạ miệng, hình dáng bắt mắt nên dễ dàng chiếm được cảm tình của các bé trong nhà”. Năm nay, chị Hằng đã mua 6 hộp bánh (4 cái/hộp) từ một người quen, chuyên làm bánh trái thủ công để bán. Trong đó, 2 hộp chị thắp hương, dự định tới Rằm phá cỗ cho gia đình thưởng thức; 4 hộp còn lại chị tặng bạn bè, đối tác. “Ai cũng khen bao bì bánh được đóng gói tinh tế, mộc mạc, lạ mắt; làm tôi vui lắm”, chị Hằng nói thêm.
Chủ tiệm bánh Bếp Mèo Ngố (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhận định thị trường bánh Trung thu handmade năm nay khá sôi động. Mặc dù giá thành có tăng đôi chút nhưng sức mua vẫn không giảm sút. Thời điểm đầu Trung thu, trung bình quán bán được 500 cái mỗi tuần. Con số này đang ngày càng nhanh trong những ngày gần đây. Nhiều hương vị bánh thuộc hàng “hot” của tiệm còn thường xuyên hết hàng và phải bổ sung thường xuyên.
Giá những loại bánh Trung thu này cũng tương đối vừa tầm, chỉ xấp xỉ hoặc hơn từ 5.000 – 10.000 đồng so với bánh Trung của các thương hiệu lớn, giao động từ 60.000 – 80.000 đồng/chiếc. Để phục vụ tốt nhất cho khách hàng, nhiều tiệm bánh còn đầu tư khâu thiết kế bao bì, hộp đựng sao cho đẹp và lạ mắt nhất.
Tuy nhiên, dù bánh Trung thu truyền thống hay hiện đại, hương vị, giá cả như thế nào, vẫn nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài trăm tới 1 triệu để sắm cho gia đình ít nhất một hộp bánh Trung thu, cốt làm cho không khí Đoàn viên thêm trọn vẹn, ý nghĩa. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 vừa mới qua, mọi người càng có nhu cầu sum họp; thì bánh Trung thu giống như cầu nối, giúp không khí đoàn viên thêm phần ấm cúng, đủ đầy.
Tâm An - Trang Nguyễn