Sức hấp dẫn của thị trường bia Việt Nam

Trong 10 năm trở lại đây, ngành bia Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, hiện sản lượng bia chiếm 93% tổng sản lượng tiêu thụ đồ uống có cồn của người Việt. Sản lượng bia không ngừng tăng trưởng theo mỗi năm. Do sức hấp dẫn lớn nên các thương hiệu bia hàng đầu thế giới đều “đổ bộ” vào Việt Nam như: Heineken, Tiger, Carlberg, Budweiser, Sapporo…

Thị trường bia trong nước cạnh tranh quyết liệt - Hình 1

Các doanh nghiệp bia nội đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các thương hiệu bia ngoại trong cuộc chiến giành thị phần

Bên cạnh các thương hiệu bia ngoại, các DN bia nội cũng không ngừng phát triển, mở rộng quy mô, nầng cao chất lượng như: Sabeco, Habeco, Huda, Sagota… Tuy nhiên, các DN bia nội đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu bia ngoại.

Theo thông kê, ngành bia Việt Nam có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất, phân bổ rộng khắp các vùng miền, với sản lượng sản xuất bia toàn ngành đứng Top 10 thế giới. Riêng sản lượng sản xuất bia năm 2018 toàn ngành đạt khoảng 4,3 tỷ lít, sản lượng tiêu thụ ước đạt 4,2 tỷ lít bia.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA), trong 3 năm trở lại đây, mức tăng trường sản lượng của ngành bia tại Việt Nam đang có đấu hiệu chậm lại. Nếu như giai đoạn 2007 – 2011, tăng trưởng đạt 9,7%, thì giai đoạn 2012 – 2015 mức tăng trưởng chỉ đạt 7,3% và đến giai đoạn 2016 – 2018 chỉ tiêu này chỉ còn 6,8%.

Ngành bia trong nước tuy có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước, nhưng các chuyên gia trong ngành nhận định, thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ và thu nhập tăng. Thị trường lớn và ngày càng mở rộng, bia và đồ uống có cồn cũng được xem là thị trường chậm bão hòa so với nhiều ngành kinh doanh khác. Điều này đã thu hút hàng loạt ông lớn trong và ngoài nước muốn có phần tại thị trường giàu tiềm năng này.

Đứng đầu Đông Nam Á, thứ 3 châu Á, nằm trong top 10 thế giới, đây là xếp hạng của Việt Nam về sản lượng tiêu thụ bia, qua đó cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bia Việt Nam trên bản đồ thế giới. Với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ ngoại, các DN bia nội sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức để bứt tốc trên trường đua.

Cạch tranh không lành mạnh

Các hãng bia lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, cùng với các chiến lược marketing toàn cầu để tăng thị phần, đã tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên các DN sản xuất bia trong nước. Tuy nhiên, cuộc chiến dành thị phần của các hãng bia trong và ngoài nước đang diễn ra rất khốc liệt thì đã có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Cuộc chiến giành thị phần bia ở Việt Nam được rất nhiều nhà đầu tư nhắm tới. Thậm chí, có rất nhiều hình thức cạnh tranh “bẩn” đã được thực hiện, như treo thưởng cao khi dỡ biển hiệu của hãng khác...

Thị trường bia trong nước cạnh tranh quyết liệt - Hình 2

Cạnh tranh không đúng lành mạnh - đăng lên Facebook để lan truyền thông tin không đúng về sản phẩm (Ảnh Sabibeco)

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chủ tịch VBA cho biết, cạnh tranh là quy luật của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới giúp các DN hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Ngược lại, các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh sẽ khiến DN tẩy chay nhau, làm mất uy tín của thương hiệu và giảm lòng tin với người tiêu dùng.

Trước thông tin, thời gian qua có nhiều DN bia nội phản ánh có sự cạnh tranh không lành mạnh trong ngành bia, Chủ tịch VBA cho biết đúng là có sự việc này và khẳng định, cạnh tranh không lành mạnh đã, đang và vẫn có trong ngành đồ uống nói chung và ngành bia nói riêng. Ở đây biểu hiện ở những DN họ đưa ra những sản phẩm, hệ thống khách hàng, những nhân viên bán hàng không có kỹ năng bán hàng , nên họ nói xấu nhau cách không đúng, tung ra những tin này tin kia không đúng sự thật để bôi nhọ những đối tượng cạnh tranh của mình. Điều này không tốt, ảnh hưởng đến văn hóa kinh doanh nói chung, thậm chí không lành mạnh, sai với quy luật phát triển và vi phạm Luật cạnh tranh.

“Cạnh tranh là quy luật, không có gì đặc biệt, nhưng đặc biệt ở đây là nếu công tác quản lý không tốt, thì là cơ hội cho hàng giả, hàng nhập lậu tràn qua biên giới vào Việt Nam, lẩn trốn thuế, cạnh tranh với sản phẩm ở trong nước”- Chủ tịch VBA nhấn mạnh.

Ông Văn Thanh Liêm, Chủ tịch HĐQT - Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) - cho biết, cuộc chiến giành thị phần bia ở Việt Nam được rất nhiều nhà đầu tư nhắm tới. Hiện Sabibeco là một đơn vị đang sản xuất các dòng sản phẩm bia Sabeco và 5 thương hiệu riêng của mình. Gần đây trong cuộc chiến dành thị phần của các hãng bia trong và ngoài nước đang diễn ra rất khốc liệt thì đã có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó có những nơi cạnh tranh bằng khuyến mại không đúng luật, hay dán tờ rơi lên hàng quán hoặc đăng lên Facebook để lan truyền thông tin không đúng về sản phẩm.

“Thậm chí, có rất nhiều hình thức cạnh tranh "bẩn" đã được thực hiện, như treo thưởng cao khi dỡ biển hiệu của hãng khác, hay trong vai khách hàng to tiếng nói xấu công khai về chất lượng của một đối thủ...” - ông Văn Thanh Liêm bức xúc.

Để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư cho hay, cần phải hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất. Đồng thời tăng cường năng lực của các cơ quản lý để kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những DN vi phạm Luật Cạnh tranh, bán phá giá, làm hàng nhái, chuyển giá và chuyển thuế.

Đặc biệt, các DN cần phối hợp cung cấp thông tin về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với cơ quan chức năng để từ đó có chế tài xử lý nghiêm minh, nhằm bảo vệ uy tín của DN và quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Minh Khuê (Công Thương)